| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Quan hệ thương mại Việt Nam - Bờ Biển Ngà 6 tháng đầu năm 2014

Đôi nét về tình hình kinh tế - chính trị Kinh tế Bờ Biển Ngà tiếp tục phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng hậu bầu cử Tổng thống năm 2010-2011 với mức tăng trưởng là 8,8% năm 2013 và là một đầu tàu của nền kinh tế Tây Phi.

Với sự giúp đỡ của những nhà tài trợ vốn quốc tế, Bờ Biển Ngà sẽ tiếp tục phục hồi sau giai đoạn xung đột chính trị bằng cách duy trì các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Song song với đó, các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân sẽ tiếp sức thêm cho Nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này cần phải được nâng cao nhất là trong lĩnh vực công - nông nghiệp để tận dụng tốt hơn các chuỗi giá trị thế giới và khu vực.

Dự kiến tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức 9% trong các năm 2014, 2015 nhờ tiếp tục các cuộc cải cách xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng những công trình lớn cũng như phục hồi nguồn vốn đầu tư tư nhân. Việc huy động hợp lý các nguồn lực trong và ngoài nước cũng sẽ đóng vai trò quan trọng như việc ổn định tình hình chính trị-xã hội tại quốc gia này.
Môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhờ vào các cuộc cải cách nhưng lĩnh vực tư nhân vẫn cần một khu vực tài chính hấp dẫn và đổi mới hơn. Các ngân hàng hiện đang có lượng tiền mặt dồi dào tạo điều kiện cho hoạt động cho vay vốn. Tình hình ngân sách đã được cải thiện rõ rệt năm 2013 sau cuộc suy thoái vào năm 2011-2012. Các khoản chi tiêu đã được ổn định hơn mặc dù việc chi phí cho các hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết xã hội như trả lương cho cựu chiến binh và giáo viên vẫn còn cao.

Bên cạnh những viễn cảnh tốt đẹp, Bờ Biển Ngà cũng đang phải đối mặt với một số thách thức. GDP tính theo đầu người vẫn còn thấp hơn so với mức của năm 2010, thời điểm trước khi diễn ra xung đột. Ưu tiên hàng đầu của quốc gia Tây Phi này là có được sự tăng trưởng bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bộ phận dân số trẻ đang tìm kiếm việc làm. Tính cạnh tranh quốc gia cũng cần được cải thiện. Những hạn chế còn tồn tại là việc quản lý đường bộ và thủ tục hải quan chưa linh hoạt, hệ thống thuế rất phức tạp. Nguồn nhân công địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong khi lĩnh vực tài chính có tính thanh khoản cao lại tỏ ra kém tích cực trong việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn. Các hoạt động phối hợp giữa chính phủ và các khu vực kinh tế sẽ vẫn rất cần thiết để tránh việc lạm phát tăng cao, nhất là đối với hàng thực phẩm.

Bờ Biển Ngà vẫn đang phải đối mặt với hai thách thức là vấn đề hòa giải dân tộc và sự gắn kết xã hội. Nhiều cuộc gặp cấp cao giữa phe đối lập và chính phủ đã diễn ra vào đầu năm 2014. Những sáng kiến nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia, giải trừ vũ khí và bảo vệ quyền sở hữu (bị đe dọa bởi những vụ cướp bóc) cũng cần phải được tăng cường.

Những chuỗi giá trị quốc tế đang mang lại triển vọng tăng trưởng hấp dẫn cho Bờ Biển Ngà. Thật vậy, nước này có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên và con người không kể chất lượng các cơ sở hạ tầng khá tốt so với các nước khác trong tiểu vùng. Những cơ hội về công nghiệp hóa cần phải được khai thác trong các chuỗi giá trị có nhiều tiềm năng trong khu vực. Trong khuôn khổ đó, những chính sách mang tính tập trung là cần thiết để đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chìa khóa. Vấn đề còn lại cần giải quyết là tài chính và năng lực quản lý của các doanh nghiệp trong nước.

Về ngoại thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Bờ Biển Ngà đạt 12,96 tỷ USD với các mặt hàng ca cao, cà phê, gỗ, dầu lửa, bông, chuối, dứa, dầu cọ và cá. Các đối tác xuất khẩu chính gồm Hà Lan, Mỹ, Đức, Nigeria, Canađa, Pháp và Nam Phi. Kim ngạch nhập khẩu đạt 9,86 tỷ USD với các mặt hàng chính là dầu nhiên liệu, máy móc trang thiết bị, lương thực, thực phẩm. Do sản xuất lúa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên mỗi năm, Bờ Biển Ngà phải mua khoảng 900.000 tấn gạo. Các nước cung cấp chính gồm Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nigeria.

Năm 2013, thặng dư thương mại của Bờ Biển Ngà đã bị giảm sút do sự gia tăng nhập khẩu nhiều hàng hóa trung gian và trang thiết bị. Xuất khẩu cũng vẫn tăng nhờ các mặt hàng nông sản cũng như sản phẩm chế biến. Sản lượng, chất lượng và việc truy xuất nguồn gốc hàng nông sản cũng đã được cải thiện. Việc tăng xuất khẩu hàng nông sản chủ yếu nhờ vào những biện pháp mới buộc các nhà xuất khẩu phải di chuyển hàng dự trữ trong những thời hạn cố định nếu không sẽ bị phạt.

Năm 2014, dự kiến xuất khẩu của Bờ Biển Ngà sẽ tăng 13,8% nhờ phát triển ngành nông nghiệp xuất khẩu và ngành công nghiệp chế biến nông sản. Kim ngạch nhập khẩu tăng 12,6% chủ yếu là do tăng cầu về hàng tiêu dùng trung gian và trang thiết bị.

Về tình hình hợp tác quốc tế, hội nhập khu vực, với việc mở rộng biểu thuế hải quan chung (TEC) của Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) ra toàn bộ các nước thuộc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào năm 2014, các cơ hội kinh tế đối với Bờ Biển Ngà đã thay đổi rõ nét. TEC bao gồm 5 loại thuế ưu đãi (0%, 5%, 10%, 20% và 35%) sẽ góp phần tăng cường trao đổi giữa Bờ Biển Ngà với các nước không phải là thành viên của UEMOA. Đó là nước láng giềng Ghana, có cơ cấu kinh tế tương đồng với Bờ Biển Ngà. Nigeria cũng là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng thực phẩm của Bờ Biển Ngà như dầu cọ.  Trước khi có sự mở rộng phạm vi áp dụng biểu thuế này, Bờ Biển Ngà đã là một trong những nước cung cấp chính cho các quốc gia thành viên khác của UEMOA, nhất là nông sản thực phẩm và hàng mỹ phẩm. Nước này cần đẩy nhanh việc áp dụng các hiệp định và quy định của cộng đồng để tận dụng sự năng động mới trong tiến trình hội nhập khu vực.

 Quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam – Bờ Biển Ngà

Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Tây Phi nói riêng và ở châu Phi nói chung. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt mức cao nhất 246,67 triệu USD, tăng 15% so với năm 2012 và kim ngạch nhập khẩu đạt 256,2 triệu USD, tăng 88%.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu gồm gạo (chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, sản phẩm dệt may, chất dẻo nguyên liệu, ...

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Bờ Biển Ngà chủ yếu là hạt điều thô (chiếm tới 77% tổng giá trị nhập khẩu), bông các loại, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép phế liệu...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 59 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu gạo chỉ đạt 25,82 triệu USD (-50%), hàng dệt may đạt 13,77 triệu USD. Nguyên nhân giảm xuất khẩu gạo là do nước này tăng cường nhập khẩu gạo Thái Lan giá rẻ, nhất là trong khuôn khổ Hiệp định thương mại gạo cấp Chính phủ giữa hai nước ký năm 2012.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Bờ Biển Ngà đạt 51,78 triệu USD, tăng 27% trong đó nhập khẩu bông đạt 26,1 triệu USD (+156%), hạt điều 23 triệu USD.

Trong tháng 5/2014, ông SANOGO Malamine, Tổng giám đốc Hội đồng Bông, Điều Bờ Biển Ngà đã sang Việt Nam tham dự Diễn đàn quốc tế về Điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức. Nhân dịp này, đoàn đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương và mời Việt Nam tham dự Triển lãm quốc tế về Trang thiết bị và Công nghệ chế biến hạt điều (SIETTA 2014) lần thứ nhất từ ngày 26 đến 28/11/2014 tại thành phố Abidjan. Hội đồng Bông, Điều Bờ Biển Ngà cũng đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu bông và điều với Việt Nam.

Xác định đây là thị trường tiềm năng, Bộ Công Thương đang có kế hoạch tổ chức đoàn XTTM trọng điểm quốc gia tại Bờ Biển Ngà vào tháng 10/2014 kết hợp tham dự Triển lãm quốc tế về Trang thiết bị và Công nghệ chế biến hạt điều (SIETTA 2014).

Tại Hội thảo ngân hàng giữa các nước ASEAN và Châu Phi nói tiếng Pháp diễn ra tại TP Hồ Chí Minh (tháng 6/2014), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã giới thiệu đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều Bờ Biển Ngà với khối lượng ban đầu là 200.000 tấn gạo./.

                                                                   Hoàng Đức Nhuận

Vụ Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan