Về tình hình xuất nhập khẩu của Pháp
Trong tháng 5 năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Pháp không đạt được tăng trưởng đáng kể so với tháng 4, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Pháp đạt 40 tỷ euro (tương đương với tháng 4), kim ngạch nhập khẩu đạt 46,6 tỷ euro (+0,4% so với tháng 4). Theo đó, cán cân thương mại trong tháng 5 năm 2021 tiếp tục thâm hụt thêm 6,6 tỷ euro và đạt mức thâm hụt cho 5 tháng năm 2021 là -28,5 tỷ euro. Mặc dù trao đổi hàng hóa liên tục đạt tăng trưởng dương trong 5 tháng vừa qua, nhưng cho tới nay thương mại hai chiều của Pháp vẫn chưa lấy lại mức trước khủng hoảng (mức trung bình năm 2019), với xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tương đương 94% và 98% so với giá trị trung bình tháng của năm 2019.
Một số chỉ số kinh tế khác
Về tăng trưởng, theo số liệu rà soát lại của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), mức tăng trưởng kinh tế trong quý I năm 2021 là -0,1%, đây là mức khác biệt lớn so với mức tăng trưởng dự báo trước đó là 0,4% cho quý I năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch so với mức dự báo là do tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng chỉ đạt mức +0,5% so với kỳ vọng trước đó là +4,5%. Như vậy, GDP của Pháp trong quý I năm 2021 vẫn thấp hơn 4,7% so với GDP của quý 4 năm 2019.
Chỉ số lạm phát trong tháng 6 tăng 0,1% so với tháng 5, tuy nhiên tăng 1,5% tính trên 12 tháng. Giá cả trong tháng 6 các loại hình dịch vụ tăng 0,1% (+0,8% tính trên 12 tháng); giá năng lượng tăng 1,1% (+10,9% tính trên 12 tháng) và giá cả thực phẩm giảm 0,7% (-0,2% tính trên 12 tháng).
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,1% trong quý I năm 2021. Như vậy số người thất nghiệp đã tăng thêm 18.000 người so với quý IV năm 2021 đưa tổng số lao động thất nghiệp lên 2,4 triệu người chiếm 8,1% dân số lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tăng đối với người lao động từ 15-24 tuổi (+1,2 điểm) trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người lao động trên 50 tuổi giảm (-0,3 điểm).
Chỉ số tiêu dùng hộ gia đình trong tháng 5 tăng mạnh 10,9% so với tháng 4 (tháng 4 giảm 8,3%). Sự tăng trưởng này là do lượng mua hàng hóa sản xuất tăng mạnh 26%, trong đó nhóm hàng quần áo, dệt may tăng 149,2%. Điều này có thể được giải thích do việc Chính phủ Pháp kết thúc thực hiện các biện pháp phong tỏa từ ngày 3/5. Bên cạnh đó chi tiêu năng lượng tăng (+ 2,6%) và chi tiêu thực phẩm ổn định (0,0%) trong tháng 5.