Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam , 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 8,3% về lượng, tăng 27,7% về kim ngạch và tăng 17,9% về giá so với cùng kỳ năm 2023 . Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay ước đạt 632 USD⁄tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng, tăng 27,7% về kim ngạch và tăng 17,9% về giá so với 7 tháng năm 2023, đạt gần 5,3 triệu tấn, tương đương gần 3,34 tỷ USD, giá trung bình 630,2 USD/tấn.
Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 7 tháng đầu năm 2024, chiếm 43,6% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 2,31 triệu tấn, tương đương trên 1,42 tỷ USD, giá 615 USD/tấn, tăng 19,4% về lượng, tăng 44,4% về kim ngạch và tăng 21% về giá so với 7 tháng năm 2023; riêng tháng 7/2024 xuất khẩu đạt 372.289 tấn, tương đương 215,03 triệu USD, giá 577,6 USD/tấn, tăng 241,3% về lượng, tăng 225,2% kim ngạch nhưng giảm 4,7% về giá so với tháng 6/2024.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng 29,2% về lượng, tăng 60,9% kim ngạch và tăng 24,5% về giá so với 7 tháng năm 2023, đạt 778.692 tấn, tương đương 481,69 triệu USD, giá 618,6 USD/tấn, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 129,3% về lượng, tăng 176,6% kim ngạch và tăng 20,6% về giá so với 7 tháng năm 2023, đạt 529.730 tấn, tương đương 314,18 triệu USD, giá trung bình 593 USD/tấn, chiếm 10% trong tổng lượng và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung gạo toàn cầu năm 2024 dự báo giảm, nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng do lo ngại thời tiết nắng nóng, El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024…, tạo dư địa cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu và có được mức giá cao hơn. Năm 2024 dự báo sẽ là năm liên tiếp xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là năm thị trường gạo thế giới được dự báo có nhiều biến động cả về sản lượng, nhu cầu và các chính sách liên quan từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Giải pháp nào cho ngành lúa gạo Việt nam đạt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD?
Do vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, đổi mới sản xuất và linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện quan trọng để ngành lúa gạo Việt Nam đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu như: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Bên cạnh đó, cần khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng thị trường xuất khẩu, xây dựng nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất khẩu gạo. Từ đó, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu để có chính sách quản lý, điều hành hiệu quả.