Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan xin gửi tới bạn đọc điểm tin Thị trường Thái Lan từ ngày 5/9/2022 đến ngày 9/9/2022 để tham khảo.
Thái Lan và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu
Thái Lan và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đang nỗ lực đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA). Chủ tịch Ủy ban quốc hội của EFTA Ingibjörg Ólöf Isaksen dẫn đầu đoàn công tác đã thăm Thái Lan từ ngày 05 đến ngày 09/09/2022, sau khi vòng đầu tiên các cuộc họp hiệp định thương mại tự do Thái Lan-EFTA được nối lại tại Bangkok vào tháng 06/2022. Dự kiến phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra từ ngày 31/10-04/04 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa Thái Lan-EFTA không chỉ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa 02 đối tác mà còn giúp phát triển bền vững. Hiệp hội EFTA bao gồm 04 quốc gia không là thành viên Liên minh châu Âu bao gồm Iceland, Liechtenstein, Nauy và Thụy Sỹ được thành lập để xúc tiến hợp tác thương mại và kinh tế giữa 04 quốc gia thành viên và cùng nhau mở cửa thị trường toàn cầu. Kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và EFTA đạt 2,8 tỉ Euro trong năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất và nhập khẩu của Thái Lan đạt lần lượt 1,69 tỉ Euro và 1,15 tỉ Euro.
Tăng trưởng xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 53% trong 07 tháng đầu năm 2022
Trong 07 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,75 triệu tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ tin tưởng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,5 triệu tấn đã đề ra trong năm 2022 và sẽ giành lại vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 02 thế giới từ Việt Nam. Căn cứ theo số liệu xuất khẩu 07 tháng đầu năm 2022, Thái Lan hiện xếp vị trí thứ 02 sau Ấn Độ (11,23 triệu tấn) và vượt Việt Nam (4,25 triệu tấn), Pakistan (2,47 triệu tấn) và Mỹ (1,49 triệu tấn).
Nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu bao gồm đồng Bạt giảm giá khiến giá gạo Thái Lan cạnh tranh hơn so với các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Cam-pu-chia; nhu cầu gạo Thái Lan tăng cao đặc biệt là Irag – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan trong 07 tháng đầu năm 2022 đạt mức trung bình 100.000 tấn. Nhóm các thị trường lớn khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin; xung đột Ukraine-Nga cũng giúp tăng nhu cầu gạo Thái Lan do các quốc gia chuyển từ nhập khẩu lúa mì và ngô sang gạo phục vụ ngành công nghiệp thức ăn gia súc.
Thái Lan nghiên cứu ban hành thuế carbon
Thái Lan đang nghiên cứu ban hành thuế carbon theo xu hướng chung của thế giới. Hiện có 02 xu hướng áp thuế carbon bao gồm đối với các sản phẩm thải carbon, hoặc đối với các quy trình sản xuất của các nhà máy phát thải carbon. Việc ban hành thuế carbon góp phần hiện thực hóa chính sách về môi trường, xã hội và quản lý trong hệ thống thuế.
Việc nghiên cứu ban hành thuế carbon được tiến hành giữa bối cảnh xu đột Ukraine-Nga khiến giá năng lượng tăng, xu hướng kỹ thuật số, dân số già và biến đổi khí hậu. Cục Thuế Thái Lan đang tiến hành nghiên cứu các biện pháp thuế hỗ trợ sản xuất nhựa sinh học, nhiên liệu phản lực sinh học và pin thân thiện với môi trường. Cục Thuế Thái Lan cũng nghiên cứu mô hình ESG giúp phát triển kinh tế qua các biện pháp thuế hỗ trợ chương trình ESG.
Tình hình mưa lớn trên diện rộng ảnh hưởng đến kinh tế
Thái Lan đang phải đối mặt với tình hình mưa lớn trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Số liệu cho thấy trận mưa kỷ lục cách đây 11 năm đã khiến kinh tế Thái Lan thiệt hại 1,4 nghìn tỉ Bạt tương đương 14% GDP. Khu vực sản xuất đặc biệt quan ngại trong tháng 09 và 10/22, tình hình mưa lớn trên diện rộng sẽ khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Thái Lan đã đón 08 cơn bão và dự kiến 15 cơn bão trong 06 tháng cuối năm gây ra những trận mưa lớn trên diện rộng. Nhóm khu vực chịu ảnh hưởng năng nề nhất bao gồm Ayutthaya, Saraburi, Pathum Thani và Samut Sakhon – tập trung ở khu vực trung tâm nơi có nhiều nhà máy. Doanh nghiệp đã có phương án chống lũ và đối phó với tình trạng mưa lớn trên diện rộng.
Chính phủ Thái Lan ưu tiên phát triển ngành công nghiệp xe điện
Trong nhóm 12 ngành công nghiệp S-curve của Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), ngành công nghiệp xe điện được Chính phủ Thái Lan ưu tiên phát triển. Trọng tâm của Chính phủ Thái Lan nhằm giúp đỡ và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xe điện, khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân áp dụng và bao gồm công nghệ xe điện, sản xuất pin vào kế hoạch phát triển.
Trong tháng 03/2022, Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia thông báo mục tiêu đạt thị phần 50% xe điện sản xuất trong nước vào năm 2030, góp phần giúp Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực. Trước đó, trong tháng 02/2022, Nội các Thái Lan đã thông qua gói ưu đãi bao gồm thuế và trợ cấp nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng xe điện giai đoạn 2022-2023. Mức hỗ trợ dao động trong khoảng 70.000-150.000 Bạt tùy vào chủng loại và mẫu xe hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu.