| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình sản xuất, xuất khẩu quả vải của Madagascar

Sản xuất vải của Madagascar đạt xấp xỉ 100.000 tấn/năm, đứng vị trí trí 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan. Năm 2014, Madagascar đã xuất khẩu khoảng 18.000 tấn trong đó 150 đến 200 tấn vải vận chuyển bằng máy bay sang châu Âu. Đa phần vải còn lại được vận chuyển bằng tàu biển.

Ở thị trường châu Âu, Madagascar hiện là nước cung cấp vải chính với kim ngạch tăng từ 18 triệu euro lên 72 triệu euro chỉ trong vòng 4 năm 2008-2012, đáp ứng 70% nhu cầu của thị trường. Khối lượng xuất khẩu đã tăng nhẹ, từ 17.000 tấn giai đoạn 2012-2013 lên 18.000 tấn giai đoạn 2013-2014 (trên tổng lượng vải sản xuất là 100.000 tấn). Châu Âu là khách hàng chính của Madagascar đối với mặt hàng vải, nhất là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức. Cộng đồng người châu Á sống và làm việc ở châu Âu cũng là nhóm khách hàng quan trọng tiêu thụ sản phẩm này. Điểm mạnh của vải Madagascar là có giá bán hấp dẫn. Giá bán lẻ trung bình tại các cửa hàng ở châu Âu là 2,5 euro. 

So với các nước Nam Phi khác, Madagascar thu hoạch vải sớm hơn nên thông thường bước vào giai đoạn cuối vụ kinh doanh vải ở nước này thì những nước khác mới vào giữa vụ. Thời gian cung cấp chỉ tập trung vào thời điểm Giáng sinh cuối năm. Như vậy, các nước xuất khẩu khác có thể bán vải vào thời điểm khác trong năm và nếu chất lượng vải đảm bảo, cơ hội thị trường vẫn còn rất lớn.

Ngày bắt đầu vụ vải có ý nghĩa rất quan trọng đối với khối lượng xuất khẩu loại trái cây này. Ngày khai trương vụ vải phụ thuộc vào độ chín của quả vải, kích thước tối thiểu phải đạt 28 milimet cũng như tỷ lệ đường (hay độ Brix) cao hơn 18 độ. Nhìn chung, việc vận chuyển bằng đường biển giữa Madagascar và châu Âu cần khoảng thời gian 3 tuần, thêm vào đó là thời gian vận chuyển đến các nước khác nữa. Năm 2014, Madagascar bắt đầu vụ vải sớm hơn hai ngày so với năm 2013. Nhưng có những năm, nước này phải đợi đến đầu tháng 12 do thiếu mưa, vải chín muộn.

Về mặt giá cả, các trạm xử lý vải bằng lưu huỳnh vẫn giữ giá mua là 1000 ariary/kg (1 USD = 2,987.50 ariary). Giá thu mua thường ở mức cao trước khi chuyến tàu xuất khẩu vải đầu tiên khởi hành. Sau đó, giá phụ thuộc vào chất lượng và số lượng vải sản xuất được. Nhìn chung, sau khi sức ép của 4 ngày đầu tiên giảm xuống thì giá thu mua cũng bắt đầu giảm. Chất lượng và kích cỡ quả vải cũng được cải thiện dần khi càng vào sâu vụ thu hoạch.

Về giá bán trên thị trường châu Âu, vải đầu mùa vận chuyển bằng đường hàng không thường bán với giá khá cao, gần 8 euro. Nhưng giá sẽ giảm xuống từ 1 đến 3 euro khi các trái vải được xử lý bằng lưu huỳnh đến châu Âu bằng đường biển và bắt đầu xuất hiện nhiều trên thị trường.

Mặc dù Madagascar chỉ mới bắt đầu xuất khẩu vải vào châu Âu từ những năm 1990 nhưng đến năm 2007, sự xuất hiện của bộ tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) đã đặt ra những thách thức mới cho nước này. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy mặc dù GlobalGAP là một mối nguy cho các mô hình sản xuất nhỏ bởi làm gia tăng chi phí chứng nhận nhưng cũng chính là chất xúc tác ban đầu để tạo cơ hội cho sự hợp tác, minh bạch về mặt thị trường. Về lâu dài, nếu tạo được mối quan hệ thông suốt, ổn định giữa nhà nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu cùng với nông dân sản xuất, thực sự GlobalGAP không còn cần thiết. Kinh nghiệm thành công của Madagascar cho thấy không phải vai trò của GlobalGAP mà chính là năng lực marketing, khả năng phối hợp các dịch vụ logistics của nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu mới giữ vai trò quyết định.

                                                                   Hoàng Đức Nhuận

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan