| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Cameroon 6 tháng đầu năm

Đôi nét về tình hình kinh tế, chính trị Nhìn chung, Cameroon vẫn giữ được tình hình ổn định trong một khu vực nhiều biến động và khủng hoảng về an ninh, chính trị, đặc biệt là tại CH Trung Phi và miền Bắc Nigeria.

Tăng trưởng GDP năm 2013 của nước này đạt 4,9% và dự báo duy trì ở mức 4,9 đến 5% trong năm 2014, 2015. Cameroon cần phải sử dụng tăng trưởng kinh tế như một phương tiện chủ yếu để xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù trong bối cảnh tình hình quốc tế khó khăn, nhất là giảm giá nguyên liệu và giảm giao dịch thương mại nhưng hoạt động kinh tế trong nước vẫn được giữ vững. Cầu nội địa được duy trì ở mức cao nhờ các dự án cơ sở hạ tầng và sự phục hồi sản xuất của nhiều ngành thương mại. Năm 2013, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào lĩnh vực dịch vụ chiếm 47,8% GDP với các lĩnh vực vận tải, viễn thông, thương mại và khách sạn.

Tăng trưởng kinh tế có được một phần cũng nhờ vào sự phục hồi của một số ngành công nghiệp như xây dựng với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các hoạt động khai thác (dầu, khí). Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2014 và 2015.

Cameroon đang nhắm tới mục tiêu trở thành nền kinh tế mới nổi vào năm 2035. Cameroon đã cam kết phê chuẩn vào năm 2014 Hiệp định về đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu. Việc kí kết văn bản này đặt các doanh nghiệp Cameroon trước cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu ngay tại sân nhà, do đó cần phải nâng cao tính cạnh tranh. Tổng thống Paul Biya đã đồng ý cho thành lập Văn phòng cải thiện năng lực doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình này có sự hỗ trợ của EU và được hưởng 6,5 tỷ FCFA (13 triệu USD), mang lại lợi ích trực tiếp cho 60 doanh nghiệp địa phương.

Năm 2014 cũng là năm bản lề đối với những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng nước sâu Kribi, dự kiến đón chiếc tàu đầu tiên vào tháng 7/2014. Một dự án khác là khai thác sắt ở Mbalam. Khi đưa vào khai thác, dự án này sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan như tuyến đường sắt và cảng biển để vận chuyển sắt từ vùng sản xuất miền Nam Cameroon đến cảng Kribi trên bờ Đại Tây Dương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đang chú trọng đến việc cơ giới hóa và khâu con giống với hi vọng nâng cao năng suất nhất là sắn, gạo và ngô. Mặt khác, Chính phủ cũng đang phát triển các loại cây trồng xuất khẩu như ca cao, cà phê, chuối và cao su, những lĩnh vực đem lại tăng trưởng và việc làm.

Lĩnh vực viễn thông sẽ chứng kiến mạng điện thoại thứ ba đi vào hoạt động tại Cameroon. Tập đoàn Viettel đã được cấp giấy phép khai thác công nghệ 3G trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng Viettel sẽ buộc các nhà mạng khác như MTN và Orange phải nỗ lực cạnh tranh bằng cách đưa ra các sản phẩm mới.

Cuối cùng là lĩnh vực nước và điện. Việc cung cấp nước sạch sẽ được cải thiện nhất là tại các thủ phủ lớn là Douala và Yaoundé. Tại Douala, công ty Camwater thông báo sẽ tăng lượng cung từ 150.000 m3 lên 150.000m3. Về điện, công ty AES đã bán cổ phần của mình cho Actis, một quỹ đầu tư của Anh.

Về các cơ sở hạ tầng cơ bản khác, một số công trình lớn sẽ được triển khai xây dựng như cây cầu thứ hai trên sông Wouri. Tất cả sẽ giúp Cameroon hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế mới nổi.

Trong lĩnh vực ngoại thương, năm 2013, Cameroon xuất khẩu 6 tỷ USD hàng hoá các loại, trong đó có dầu thô, các sản phẩm về dầu lửa, hạt coca, nhôm, bông, cà phê, gỗ xẻ. Các đối tác xuất khẩu của Cameroon là Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2013 của Cameroon là 6,79 tỷ USD với các mặt hàng chính là máy móc, thiết bị điện, xe cộ, xăng dầu và thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu của Cameroon là Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ.

Năm 2014, Cameroon dự kiến nhập khẩu khoảng 750.000 tấn gạo. Năm 2013, nước này đã nhập khẩu 600.000 tấn gạo trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Tổng chi phí nhập khẩu khoảng 315 triệu USD/năm. Các loại gạo nhập khẩu chính chủ yếu là gạo trắng cũ. Được biết ngoài tiêu thụ trong nước, một phần lượng gạo này còn được tái xuất sang nước láng giềng Nigeria (qua biên giới) do thuế nhập khẩu gạo vào Nigeria cao (110%).

Tình hình quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Cameroon

Cameroon là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 nước có trao đổi thương mại lớn nhất trong các nước châu Phi.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cameroon đạt 101 triệu USD, tăng 62% so với năm 2012 trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là gạo (đạt 60,86 triệu USD), sản phẩm sắt thép (14,85 triệu USD), dây và cáp điện (6,42 triệu USD), hàng thủy sản (3,2 triệu USD), nguyên phụ liệu thuốc lá (2,5 triệu USD), phân NPK (2,3 triệu USD), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (2,3 triệu USD), cấu kiện nhà lắp ghép (1,6 triệu USD)…

Kim ngạch nhập khẩu từ Cameroon cũng không ngừng tăng, đặc biệt là mặt hàng gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường và mua những đơn hàng gỗ lớn từ Cameroon. Giá trị nhập khẩu từ Cameroon năm 2013 đạt 89,47 triệu USD tăng 27%  trong đó các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 78,2 triệu USD, bông các loại 10,6 triệu USD, cà phê 518.926 USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Cameroon đạt 51,37 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ và bông.

Về đầu tư vào Cameroon, Tập đoàn Viettel đã nhận được giấy phép xây dựng và khai thác mạng lưới viễn thông di động 3G tại Cameroon và có kế hoạch khai trương dịch vụ vào tháng 9/2014.

Đầu năm 2014, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành vừa hoàn thành quá trình khảo sát, đàm phán đầu tư Nhà máy Thủy điện công suất 2.000 MW và xây dựng Nhà máy sản xuất xi măng 5 triệu tấn/năm tại Cameroon.

Ngoài tiềm lực kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, Cameroon còn là cửa ngõ để hàng hóa quá cảnh sang các nước không có biển như CH Trung Phi, Gabon hoặc sang nước láng giềng Nigeria. Vì vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại thành phố cảng Douala của Cameroon để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu gạo và nhập khẩu gỗ./.

Hoàng Đức Nhuận

Vụ Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan