Theo báo cáo cập nhật của WB, tình hình kinh tế Lào năm 2021 có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 2 (tháng 4/2021). Đợt bùng phát dịch lần 2 khiến Lào phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn với mức độ cao hơn và trong thời gian dài hơn. Dự kiến tăng trưởng GDP của Lào năm 2021 sẽ phục hồi lên khoảng 3,6% (năm 2020 là 0,5%).
Do thu ngân sách tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021 và tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu (hạn chế tối đa các chi tiêu không thiết yếu và hoãn các dự án đầu tư mới) nên dự kiến thâm hụt tài chính sẽ giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức 5,2% năm 2020.
Tổng nợ công và nợ công có bảo lãnh (PPG) đã ở mức nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng nợ công (trong nước và nước ngoài) lên đến 13,3 tỷ USD tương đương 72% GDP vào năm 2020 (so với 67,3% năm 2019), trong đó, nợ Trung Quốc chiếm trên ½ tổng giá trị. Giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm Lào sẽ phải trả nợ nước ngoài khoảng 1,3 tỷ USD (không bao gồm nợ có bảo lãnh), một nửa số là nợ thương mại, trong tình trạng ngân sách thâm hụt, dự trữ thấp.
Đồng Kíp tiếp tục giảm giá, mất khả năng cân đối ngoại tệ trên thị trường hối đoái gây sự mất cân bằng cung cầu, gia tăng chênh lệch giữa thị trường chính thức và thị trường tự do. So với tháng 7 năm ngoái, đồng Kíp giảm giá 12,6% so với đô la Mỹ và giảm 8,2% so với đồng Baht, lạm phát tăng làm trầm trọng thêm nợ nước ngoài.
Theo báo cáo, lạm phát tăng trở lại vào tháng 6/2021, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó tháng 1/2021 mức tăng này là 2%. An ninh lương thực bị ảnh hưởng do giá lương thực tăng, đặc biệt là đối với người nghèo thành thị và những người bị mất thu nhập do đại dịch Covid-19.
Theo dự báo của WB, nền kinh tế Lào có thể dần phục hồi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng sẽ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, đạt khoảng 4,5% vào năm 2022. Kinh tế Lào phục hồi dựa vào xuất khẩu tăng, sự phục hồi dần của các ngành dịch vụ, du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi tuyến đường sắt Lào-Trung hoàn thành trong năm nay, việc phát triển cơ sở hạ tầng thứ yếu dự kiến sẽ diễn ra dọc theo hành lang đường sắt. Ngoài ra, các tuyến đường cao tốc Vang Vieng-Boten và các tuyến đường phía Nam cũng đang trong quá trình triển khai.
Để khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô, theo WB, Lào cần tập trung vào quản lý nợ công một cách bền vững và minh bạch hơn, tăng cường tính bền vững tài khóa và giảm thiểu các lỗ hổng của khu vực tài chính: Thứ nhất, tận dụng các cơ chế xóa nợ và tăng cường quản lý nợ minh bạch. Cơ cấu lại nợ với các bên cho vay chủ chốt, đặc biệt là với Trung Quốc. Xây dựng chiến lược quản lý nợ toàn diện để có thể về lâu dài duy trì tính ổn định của nợ. Thứ hai, cải thiện hiệu suất thu, giúp củng cố tài khóa; thay vì thắt chặt chi tiêu có thể dẫn tới suy yếu việc cung cấp dịch vụ xã hội. Rà soát các chính sách miễn thuế, tăng cường quản lý thu ngân sách và mở rộng áp dụng các hệ thống điện tử. Cải cách DNNN giúp giảm các khoản nợ tiềm tàng. Thứ ba, ngăn chặn tình trạng xấu đi trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đưa ra các công cụ và quy định pháp lý quan trọng như từng bước gỡ bỏ các chính sách cấm vận dựa trên việc tăng cường giám sát ngân hàng và nâng cao phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giữa các ngân hàng và công ty trong ngành. Trong thời gian trung hạn, để đảm bảo sự ổn định cân đối, cần áp dụng cơ chế giám sát dựa trên rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và phát triển hệ thống quản lý, phòng chống khủng hoảng.