Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99⁄NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index).
Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên nguồn thông tin dữ liệu thống kê và thông tin khảo sát doanh nghiệp hàng năm, thông qua các hoạt động: Khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, doanh nghiệp tại khu vực kinh tế Nhà nước tại địa phương; thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và ngoài nước; phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán bộ chỉ số; đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi các FTA tại từng địa phương thông qua bộ chỉ số của địa phương đó; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý dữ liệu, đặc biệt trực tuyến.
Những mục tiêu trọng tâm của FTA Index
Việc xây dựng bộ chỉ số FTA Index có ý nghĩa rất quan trọng, đây là bộ công cụ đo lường được mức độ tận dụng FTA của doanh nghiệp, cũng như mức độ hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp trong tận dụng các FTA, cụ thể là:
Với người dân và doanh nghiệp, FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với các nhà đầu tư, FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA.
Với Chính phủ và Quốc hội, FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương.
Với các cơ quan trung ương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA.
Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.
Qua các phân tích trên, thấy rõ chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.