Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của Mô-dăm-bích không ngừng gia tăng trong những năm gần đây với mức tiêu thụ của nước này trong năm 2012 được dự báo vào khoảng 600.000 tấn trong khi sản lượng gạo sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 285.000 tấn. Để bù đắp số lượng gạo thiếu hụt nước này sẽ phải nhập khẩu trong đó nguồn cung từ châu Á được xem là nguồn nhập khẩu chính (thường chiếm tới 70-80% sản lượng nhập khẩu).
Mô-dăm-bích có điều kiện tự nhiên thuận lợi như đất đai màu mỡ, khí hậu, lượng nước để phát triển nhiều loại cây nông nghiệp trong đó có cây lúa gạo. Theo kết quả đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, Mô-dăm-bích hiện có khoảng 900 nghìn ha đất có tiềm năng sản xuất lúa gạo tuy nhiên hiện mới chỉ có khoảng gần 200 nghìn ha được đưa vào canh tác.
Sản xuất lúa gạo của Mô-dăm-bích phân bố không đồng đều tại các vùng miền trong cả nước trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực miền trung với diện tích 95 nghìn ha tiếp đó là miền bắc 64 nghìn ha và miền nam là 22 nghìn ha. Mặc dù có tổng luợng mưa hàng năm tương đối lớn tuy nhiên, lương mưa lại tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa từ tháng 2 đến tháng 7 (chiếm tới 86% tổng lượng mưa cả năm) thêm vào đó hệ thống thuỷ lợi bị bỏ hoang, phá huỷ vì nội chiến vì vậy đã không đảm bảo chủ động tưới tiêu nên việc canh tác lúa gặp rất nhiều khó khăn.
Trong trao đổi thương mại với Mô-dăm-bích, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang thị trường này. Năm 2011, Mô-dăm-bích nhập khẩu 14.300 tấn gạo với trị giá 22,05 triệu USD từ Việt Nam (chiếm 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu).
Phạm Thế Cường