| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ấn Độ cung cấp trên 50% vắc-xin cho toàn thế giới

Phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến Thương mại và Đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm giữa Ấn Độ và Việt Nam do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp cùng với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội các nhà Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Phòng Thương mại Ấn Độ tổ chức ngày 21/01/2021, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết “Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc đồng thời là nước sản xuất vắc-xin lớn nhất trên thế giới.

Theo nghiên cứu từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc (API) lớn nhất trên toàn cầu, ngành dược phẩm của Ấn Độ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu các loại vắc-xin khác nhau cho toàn cầu, cung cấp 40% thuốc gốc cho Hoa Kỳ và 25% thuốc các loại cho Anh.

 

Ấn Độ có vị trí quan trọng trong lĩnh vực thuốc và dược phẩm toàn cầu, bên cạnh khả năng sản xuất, đất nước này cũng có một đội ngũ lớn các nhà khoa học và kỹ sư để thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm phát triển lên những tầm cao mới. Hiện nay, hơn 80% thuốc kháng vi rút được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) được cung cấp bởi các công ty dược phẩm Ấn Độ.

 

Tổng quy mô thị trường dược phẩm của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng lên 100 tỷ USD và thị trường thiết bị y tế dự kiến ​​sẽ đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu dược phẩm từ Ấn Độ đạt 16,30 tỷ USD trong năm tài chính 2019-2020, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm thuốc phổ thông, sản phẩm trung gian, thuốc công thức, sinh phẩm, thuốc y học cổ truyền,  các sản phẩm thảo dược và phẫu thuật.

 

Từ đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ đạt khoảng 2 tỷ USD, trong 6 tháng qua tổng giá trị xuất khẩu thuốc và dược phẩm của Ấn Độ đạt 13,87 tỷ USD.

 

Ngày 16/01/2021 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất thế giới với hai loại vắc-xin do Ấn Độ tự sản xuất để phòng chống đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn 3 đến 6 tháng đầu tiên, khoảng 300 triệu người dân sẽ được ưu tiên tiêm trước bao gồm những người chống dịch ở tuyến đầu như bác sỹ, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh, người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, người nghèo và những người dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bùi Trung Thướng.

Nội dung liên quan