| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cảnh báo đối với các hành vi lừa đảo gian lận thương mai của một số doanh nghiệp có trụ sở tại các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)

Trong năm 2015, Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) liên tục tiếp nhận, xử lý, cũng như phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào bán, mua hàng hóa, ký kết hợp đồng giao dịch xuất nhập khẩu mang tính lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE. Tổng số tiền mà Thương vụ ghi nhận và góp phần nhằm ngăn chặn, hạn chế mất mát cho doanh nghiệp lên đến gần 4 triệu USD với 8 vụ việc.

Mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam về những hình thức lừa đảo, gian lận của các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên do sự chủ quan, tâm lý hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng trong quá trình giao thương.

Thương vụ Việt Nam tại UAE chuyển tải nội dung vụ việc tiêu điểm nhất để doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với các doanh nghiệp có trụ sở tại UAE đặc biệt lưu ý để tránh rủi ro có thể xảy ra.

1. Làm giả chứng từ L/C, cài người lấy chứng từ xuất khẩu:

Diễn tiến sự việc:

- Doanh nghiệp A (giấu tên) của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu gạo với khách hàng tên ARABIAN DISTRIBUTOR LLC (tên thật) ở Dubai với chi tiết như sau: Hình thức thanh toán là thư tín dụng trả ngay (L/C at sight). Cảng nhận hàng là cảng Jebel Ali, Dubai.

- Tháng 5/2015, Doanh nghiệp A nhận được thông báo thư tín dụng L/C trị giá 2,3 triệu USD được mở từ khách hàng ARABIAN DISTRIBUTOR LLC và ngân hàng phát hành thư tín dụng là ngân hàng Regnum Bank, 51 Marshal Zhukov Avenue, Moscow, Russia, 123154.

- Tháng 06/2015, Doanh nghiệp A vận chuyển 63 container lên tàu, trị giá đơn hàng là gần 1 triệu USD.

- Sau khi hoàn tất bộ chứng từ xuất khẩu, Doanh nghiệp A xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng của Việt Nam đại diện cho người bán, nhờ họ gửi bộ chứng từ đến ngân hàng Regnum Bank để đòi tiền.

- Cuối tháng 6/2015, hãng chuyển phát nhanh DHL cho biết ngân hàng thanh toán Regnum Bank đã nhận được bộ chứng từ.

- Tuy nhiên, đầu tháng 07/2015, Doanh nghiệp A vẫn chưa nhận được thanh toán từ phía ngân hàng Regnum. Vì vậy, ngân hàng tại Việt Nam đã gửi lại yêu cầu thanh toán đến ngân hàng Regnum. Ngay sau đó, ngân hàng Regnum thông báo rằng họ không phát hành L/C này, cũng như người nhận bộ chứng từ này không phải là người của ngân hàng Regnum.

Trong lúc đó, theo thông tin từ phía hãng vận tải, khách hàng ARABIAN DISTRIBUTOR LLC đã liên hệ hãng tàu và cảng vụ để làm lệnh yêu cầu hãng tàu giao hàng. 

- Doanh nghiệp A lập tức gửi công văn và gọi điện cầu cứu Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE.

- Ngay sau khi nhận được thông báo của Doanh nghiệp A về việc bị khách hàng Arabian Distributor LLC dùng các biện pháp gian lận gần như không tưởng, lấy được bộ chứng từ gốc hàng hóa để chuẩn bị nhận lô hàng 63 cont gạo tại cảng Jebel Ali, Dubai và làm giả Thư tín dụng L/C của Ngân hàng Regnum, Nga; đánh giá sự nghiêm trọng và cấp thiết của vụ việc, Thương vụ đã kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại UAE gửi ngay công hàm tới hãng vận tải và cảng Dubai Port World đề nghị giữ lại toàn bộ lô hàng để phục vụ việc điều tra làm rõ vụ việc. Thương vụ đã trực tiếp gọi điện và đến gặp nhiều lần đại diện của các đơn vị trên, sử dụng các mối quan hệ với giới chức để gây sức ép hợp lý. Dưới tác động mạnh của Đại sứ quán, cảng Dubai Port World và hãng vận tải đã chấp thuận giữ lô hàng lại mặc dù đã có lệnh giao hàng cho “người mua”.

- Tiếp đó, Thương vụ Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ Doanh nghiệp A trong việc đàm phán với Arabian Distributor LLC (có địa chỉ đăng ký nhưng không hoạt động ở Dubai) nhằm tìm giải pháp chuộc lại bộ chứng từ; tham vấn cho doanh nghiệp có giải pháp đúng đắn qua kênh ngân hàng với ngân hàng, hãng tàu ở Việt Nam và Dubai; đàm phán với hãng tàu và cảng để giảm chi phí lưu kho bãi, tiền phạt,...; giới thiệu hãng luật tại Dubai để doanh nghiệp tiếp tục xử lý vụ việc; làm việc với cơ quan chức năng tại Dubai,...

- Sau rất nhiều nỗ lực của các bên và doanh nghiệp, hiện tại lô hàng 63 cont gạo đã được chuyển về Việt Nam. Doanh nghiệp A đã phải trả số tiền lớn cho các chi phí phát sinh tại cảng, cũng như vận chuyển về Việt Nam,… Đại sứ quán cũng đã có công điện gửi Hải quan cảng Sài gòn và cơ quan thuế đề nghị xem xét cân nhắc việc doanh nghiệp A phải đóng thuế nhập khẩu (tạm thời) 40% giá trị lô hàng theo quy định hiện hành để hạn chế các phí tổn mà doanh nghiệp phải chịu.

 Phân tích:

 Việc doanh nghiệp A bị lừa đảo với hình thức khá tinh vi trên cho thấy một loạt các sai lầm lớn sau:

- Không tiến hành kiểm tra, xác minh đối tác; quá tin tưởng vào đơn vị môi giới (đã giới thiệu Arabian Distributor LLC với doanh nghiệp A).

- Không quy rõ trách nhiệm của đơn vị môi giới, đơn vị này gần như phủi tay sau khi vụ việc diễn ra.

- Ham lợi nhuận lớn (lên đến gần 50%) nếu xuất được lô hàng thành công. Đơn hàng đầu tiên trị giá khá lớn với khách hàng giao dịch lần đầu.

- Không kiểm tra kỹ về ngân hàng phát hành L/C mà đã chấp nhận việc khách hàng mở L/C tại một ngân hàng nhỏ, không có trong danh sách ngân hàng tín nhiệm quốc tế, trong khi chuyển hàng hóa đến địa chỉ tại một nước khác.

 - Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu non kém, bị ru ngủ bởi những lời hứa hẹn, cam kết của bên mua,...

 2. Các hình thức lừa đảo, gian lận khác:

- Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi sát tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hộp mail (hoặc tạo 1 hộp mail có địa chỉ gần như giống tuyệt đối với mail của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất. Hiện tại, Thương vụ đang xử lý vụ việc với cách thức lừa tương tự với số tiền gần 500.000 USD. Mặc dù đã can thiệp với ngân hàng Noor Bank của UAE (tài khoản của đối tượng lừa đảo nằm tại ngân hàng này) tuy nhiên đối tượng đã kịp giúp 2/3 số tiền. Vụ việc đang được đưa ra Sở Công an Dubai để điều tra, xử lý.

- Lợi dụng sự bất cẩn của các doanh nghiệp Việt Nam như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác,… để chuyển hàng không giá trị, không đúng theo hợp đồng.

- Thực hiện giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế thông qua hình thức đặt cọc một phần trị giá hợp đồng, phần còn lại thanh toán theo phương thức D/P. Sau khi doanh nghiệp tiến hành giao hàng, lập chứng từ thanh toán và gửi cho đối tác, doanh nghiệp không nhận được số tiền còn lại và mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt. Hiện tượng này rất phổ biến và đối tượng gian lận là cả doanh nghiệp Việt Nam (6 vụ) và doanh nghiệp có trụ sở tại UAE (3 vụ).

Các khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam:

- Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác xuất nhập khẩu, phát triển thị trường, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật.

- Về phương thức thanh toán, cần thương lượng với đối tác để sử dụng hình thức thư tín dụng L/C không hủy ngang hoặc bảo đảm của ngân hàng có uy tín quốc tế để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán hoặc gian lận của người mua. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Chỉ áp dụng phương thức đặt cọc khi đã biết rõ mức độ tín nhiệm và có thời gian giao dịch đủ dài với đối tác (mức đặt cọc tối thiểu 20-30%).

- Hiện tại, giá cả hầu hết các hàng hóa đều được cập nhật rõ ràng qua thông tin thị trường hoặc các trang web hàng hóa quốc tế. Do đó, khi có đơn hỏi mua hàng trả giá cao quá, hoặc đơn bán hàng chào giá thấp quá so với mặt bằng, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, kiểm tra kỹ độ tin cậy để tránh bị lừa.

- Về phương thức mua hàng, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu.

- Phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan. Cần sang trực tiếp địa bàn để thẩm định và làm việc với đối tác. Đối với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, cần liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán (email: vntrade@emirates.net.ae) để đề nghị hỗ trợ, xác minh về pháp nhân, uy tín của đối tác.

 

Thương vụ Việt Nam tại UAE

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan