Mười lăm năm trước, người dân Niu Di-lân đã đổ ra đường để phản đối đối với thực phẩm biến đổi gen nhưng chính những thực phẩm này ngay nay đã xuất hiện trên các quầy hàng hóa ngay tại Niu Di-lân.
Niu Di-lân nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm từ những nước có sử dụng công nghệ biến đổi gen
Phong trào phản đối biến đổi gen đã từng được coi là một trong những thành công lớn của các nhà hoạt động trong lịch sử Niu Di-lân. Vào năm 1999, khoảng 20 ngàn người đã đổ về phố Queen (Auckland) để kêu gọi việc cấm cây trồng biến đổi gen. Bà Claire Bleakley, chủ tịch nhóm vận động cấm công nghệ biến đối gen tại Niu Di-lân phát biểu rằng "các bà mẹ lo lắng về các giống cây trồng biến đổi gen sẽ ảnh hưởng tới con cái và thế hệ tương lai của chúng ta". Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến lúc bây giờ, hơn 70% người dân Niu Di-lân được hỏi ủng hộ việc ngăn chặn vật biến đổi gen (GMOs) xâm nhập vào Niu Di-lân.
Và chiến thắng đã thuộc về những người biểu tình. Cho đến ngày nay, bà Bleakley cho rằng Niu Di-lân đã không sử dụng công nghệ biến đổi gen đối với thực phẩm và môi trường của mình và điều đó làm cho các thị trường xuất khẩu tin tưởng hơn đối với các sản phẩm từ Niu Di-lân.
Tuy nhiên, trong khi các sản phẩm Niu Di-lân dành được sự tôn trọng đối với việc không sử dụng công nghệ biến đổi gen thì chính nhiều người dân Niu Di-lân không biết rằng thực phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen được nhập khẩu từ nước khác đã len lỏi vào các quầy hàng trong nước.
Theo Quy tắc về Các tiêu chuẩn Thực phẩm, tất cả các thành phần thực phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen phải được dán nhãn như vậy. Tuy nhiên, không một ai thực thi điều đó. "Từ năm 2003 đã hoàn toàn không có một cơ quan giám sát hay thực thi việc dán nhãn thực phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen tại Niu Di-lân" Ông Steffan Browning, Nghị sĩ Đảng Xanh phát biểu.
Quay trở lại năm 2003, trong một cuộc kiểm tra bấp ngờ, Cơ quan An toàn Thực phẩm Niu Di-lân đã kiểm tra 231 nhà sản xuất thực phẩm và 38 nhà nhập khẩu. Theo kết quả công bố thì gần 30% các nhà sản xuất và 37% số nhà nhập khẩu thiếu các tài liệu thích hợp cho biết tình trạng sử dụng công nghệ biến đổi gen trong thành phần thực phẩm. Kể từ đó, không có cuộc điều tra nào được thực hiện tiếp theo.
Niu Di-lân hiện nay đang nhập khẩu số lượng lớn thành phần thực phẩm từ những nước phổ biến công nghệ biến đổi gen. Ngô, đậu tương, cải dầu và hạt bông là những sản phẩm chiếm khoảng 99% cây trồng sử dụng công nghệ biến đổi gen trên thế giới.
Các sản phẩm trên có xu hướng trở thành các thành phần phụ trong thực phẩm chế biến. Theo Luật hiện hành, các sản phẩm tinh chế như dầu hạt cải và xi-rô bắp không cần phải dán nhãn tình trạng sử dụng công nghệ biến đổi gen.
Một phần sử dụng lớn các thành phần có sử dụng công nghệ biến đổi gen nằm trong thức ăn động vật. Các chủ trại gà Niu Di-lân hiện phản ánh rằng rất khó để có thể tìm được nguồn thức ăn không sử dụng công nghệ biến đổi gen hoàn toàn.
Ai quyết định?
Các quyết định về việc những thực phẩm biến đối gen được sử dụng tại Niu Di-lân lại hiếm khi được đưa ra trên chính đất Kiwi này. Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc Niu Di-lân (FSANZ), đặt tại Canberra đánh giá về các thực phẩm biến đổi gen cho cả hai nước. FSANZ đã thông qua hơn 80 biến thể của các loại thực phẩm sử dụng công nghệ biến thể gen chính sử dụng cho con người. Cơ quan này chưa từng bao giờ từ chối một đơn nào của nhà sản xuất thực phẩm biến đổi gen.
Niu Di-lân không có tiếng nói bình đẳng trong quá trình này. 12 thành viên trong ban điều hành của FSANZ thì có đến 9 người Úc. Trong việc thông qua các quyết định thì Niu Di-lân chỉ có một phiếu trong khi đó mỗi tiểu bang của Úc có một phiếu bầu.
"Phương pháp đánh giá của FSANZ đối với các thực phẩm biến đổi gen đại diện cho Úc và Niu Di-lân được công nhận là nơi thực hiện tốt nhất thế giới", ông Deborah Roche, Phó Tổng Vụ trưởng Bộ Công nghiệp Các ngành Cơ bản Niu Di-lân (MPI) phát biểu.
Những người phản đối công nghệ biến đổi gen lập luận rằng FSANZ có quan hệ khăng khít với ngành công nghệ sinh học. Năm ngoái, nhà khoa học Úc Peter Langridge, một trong những nhà tư vấn lâu năm cho FSANZ về an toàn thực phẩm biến đổi gen cho biết rằng trung tâm nghiên cứu của ông nhận được hàng năm 3-4 triệu AUD từ Dupont, một trong những hãng giống cây trồng biến đổi gen lớn nhất thế giới.
Khi FSANZ đánh giá một loại thực phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen, đơn đề nghị sẽ quay trở lại Bộ Các ngành Công nghiệp Cơ bản của Niu Di-lân để xem xét. "MPI xem xét tất cả các đơn về công nghệ biến đổi gen trên cơ sở từng trường hợp và ý kiến của Cơ quan này là cơ sở khoa học" ông Roche phát biểu.
Tuy nhiên, về mức độ pháp lý thì quá trình xem xét của Niu Di-lân chỉ là hành động cho có, theo các thỏa thuận hiện hành. Theo Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau Xuyên Tasman thì Niu Di-lân phải chấp nhận bất kỳ thực phẩm nào được cho phép bán tại Úc.
Vậy thực phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen có an toàn không?
Các nghiên cứu về chăn nuôi động vật đã dấy lên những câu hỏi về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Vào năm 2012, nhà khoa học Ý Gilles-Eric Seralini và cộng sự đã công bố phát hiện gây tranh cãi khi so sánh những con chuột được nuôi bằng bắp ngô có sử dụng công nghệ biến đổi gen và không sử dụng. Những con chuột sử dụng thức ăn có biến đổi gen có các khối u phát triển tăng lên và kèm theo đó là các bệnh về gan và thận. Những công bố của Seralini sau đó bị tập chí khoa học cho đăng rút xuống theo cách chưa từng có tiền lệ - sau khi các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu của ông thiếu tính chính xác trong thống kê để đưa tới các kết luận trên; tuy nhiên các nhà vận động phản đối công nghệ biến đổi gen lên tiếng phản đối, cho rằng đó là việc chơi xấu và buộc tội các nhà khoa học trong ngành đã ảnh hưởng tới quyết định. Tuy nhiên những công bố trên đã được đăng lại trên một tạp chí khoa học khác.
Vào năm 2013, nhà khoa học Úc tiến sỹ Judy Carman và nhóm của cô đã phát hiện ra rằng những con lợn được nuôi bằng ngô và đậu tương biến đổi gen cho thấy sự gia tăng bệnh viêm dạ dày nghiêm trọng. Điều này không rõ có ảnh hưởng bắt nguồn từ việc sử dụng thức ăn biến đổi gen hay từ các hóa chất nông nghiệp. Nhiều loại cây trồng biến đổi gen được tạo ra để kháng thuốc trừ cỏ, nhờ vậy nông dân có thể phun toàn bộ cánh đồng của mình với các chất diệt cỏ. Việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã tăng lên nhanh chóng đối với những loại cây trồng này.
Kết quả là những loại cỏ dại mới kháng được thuốc trử cỏ đã ra đời, dẫn đến việc sử dụng thuốc trừ cỏ càng nhiều hơn. Gần đây, FSANZ đã chấp thuận cho đưa vào tiêu thụ một chủng đậu tương biến đổi gen được thiết kế để phun 2,4-D - một trong những thành phần trong Chất độc Mầu da cam.
Ghi nhận việc thiếu nhận thức đối với thực phẩm biến đổi gen tại Niu Di-lân, năm nay Steffan Browning đã đi cả nước để tổ chức các cuộc gặp công khai tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi đối với yêu cầu dán nhãn thực phẩm biến đổi gen. Động cơ của ông đơn giản, Browning nói "người dân Niu Di-lân đáng được biết về những gì mà họ đang dùng để nuôi con cái của mình".
Khuyến cáo nếu bạn không muốn sử dụng sản phẩm biến đổi gen
• Thực phẩm hữu cơ được chứng nhận luôn là sự lựa chọn an toàn. Các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ không sử dụng bất kỳ thành phần biến đổi gen nào.
• Tránh sử dụng các sản phẩm động vật không phải hữu cơ, đặc biệt là trứng, gà và lợn, cũng như những động vật có để đã được nuôi bằng thức ăn biến đổi gen.
• Tránh sử dụng các thực phẩm chế biến có sử dụng bất cứ thành phần nào sau đây: ngô, đậu tương, cải dầu, hạt bông. Những sản phẩm này có thể có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen. Phần lớn thực phẩm có sử dụng một trong những thành phần trên từ xi-rô bắp tới lecithin đậu tương.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Niu Di-lân tổng hợp