Trong bối cảnh dịch Covid 19 gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi về công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 23/10/2020 Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đã tổ chức Cuộc Tọa đàm trực tuyến về thị trường Ma-rốc nhằm tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường Ma-rốc phục vụ các doanh nghiệp quan tâm.
Trong bối cảnh dịch Covid 19 gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi về công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 23/10/2020 Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đã tổ chức Cuộc Tọa đàm trực tuyến về thị trường Ma-rốc nhằm tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường Ma-rốc phục vụ các doanh nghiệp quan tâm.
Tham dự Tọa đàm có bà Đặng Thị Thu Hà-Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc, ông Nguyễn Hải Nam-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, bà Nguyễn Thanh Loan-Trưởng ban Xúc tiến thương mại và hợp tác của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ và 29 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà khẳng định Ma-rốc là một trong những quốc gia có an ninh chính trị và xã hội ổn định nhất của khu vực châu Phi, đồng thời sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam và Ma-rốc có mối quan hệ từ lâu và đang ngày càng được củng cố và phát triển. Năm 2021, hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hợp tác 27/3/1961-27/3/2021. Hiện nay, hai bên đang tích cực chuẩn bị để có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hợp tác.
Về phần mình, Thương vụ Đại sứ quán đã trình bày giới thiệu về thị trường Ma-rốc, mối quan hệ kinh tế thương mại hai nước, thuận lợi, khó khăn, triển vọng, các mặt hàng xuất nhập khẩu tiềm năng…và đặc biệt là những lưu ý cần thiết đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro và khai thác tốt thị trường trong thời gian tới.
Trong phần hỏi đáp, bên cạnh những quan ngại nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm phát triển kinh doanh với thị trường Ma-rốc, nhất là đối với các mặt hàng như: nông sản, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng, hàng công cụ, dệt may, sản phẩm điện tử, hóa chất, nhựa, nguyên liệu thức ăn gia súc, thủy sản, mật ong, nguyên liệu phân bón…Ngoài những câu hỏi về các mặt hàng cụ thể, đại diện các doanh nghiệp cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách của Ma-rốc đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và đã được Ban tổ chức nỗ lực trả lời và trao đổi.
Nhìn chung, trong 10 năm qua quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Ma-rốc và các địa bàn kiêm nhiệm có bước tiến tích cực. Kim ngạch hai chiều tăng trưởng tốt dù không ổn định và không theo quy luật. Mức tăng trưởng bình quân trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc đạt khoảng 12-13%. Kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt xấp xỉ 220 triệu USD.
Cơ cấu các mặt hàng ngày càng đa dạng, tập trung vào các sản phẩm lương thực, hàng tiêu dùng, nông sản chế biến, gia vị…
Tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc là rất lớn. Hai nước có sự gắn bó và mang nhiều nét tương đồng về lịch sử. Điều này là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục thúc đẩy giao thương kinh tế, thương mại và xa hơn là đầu tư vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đỗ Việt Phương