Mới đây, Cảng Gothenburg (Thụy Điển) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Công Thương Hải Phòng và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) về hợp tác logistics.
Sự kiện được tổ chức ngày 6/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam – Thụy Điển được tổ chức nhân dịp 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển.
Sự kiện do Đại sứ quan Việt Nam tại Thụy Điển phối hợp với Thương vụ và Tập đoàn FPT tổ chức.
Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở các nước Bắc Âu với hơn 11.000 lượt tàu ghé thăm mỗi năm từ hơn 140 điểm đến trên toàn thế giới, là cảng duy nhất của Thụy Điển có khả năng tiếp nhận những tàu container hiện đại, đi biển lớn nhất. Gothenburg xử lý gần 30% hoạt động thương mại nước ngoài của Thụy Điển, bao gồm 39 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Đây là sự kiện đáng ghi nhớ vì sẽ tăng cường hợp tác nhằm phát triển dịch vụ logistics giữa doanh nghiệp, địa phương hai bên, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thuỵ Điển nói riêng và với khu vực châu Âu nói chung. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Richard Mellgren – Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị – Cảng Gothenburg xung quanh sự kiện quan trọng này.
Thưa ông, với vị trí là một trong những cảng biển lớn nhất Bắc Âu, ông đánh giá gì về tiềm năng hợp tác của Cảng Gothenburg với Việt Nam trong lĩnh vực này?
Tôi tin rằng đây là một bước tiến tự nhiên khi năm nay chúng ta kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Là thành viên của EU, Thụy Điển cùng với các nước EU khác được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cảng Gothenburg đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vận tải và logistics có thể được tiến hành một cách suôn sẻ và hiệu quả. Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và chúng tôi thấy nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm cả các công ty Thụy Điển, đang đầu tư tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất của chúng tôi, với vai trò là cảng Gothenburg, có thể đảm bảo cho các ngành công nghiệp tiếp cận thị trường thế giới và ngược lại. Điều này có nghĩa là cần nỗ lực duy trì các tuyến đường thương mại hiện có đồng thời cũng phát triển các tuyến đường mới để thúc đẩy thương mại nữa giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Được biết, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển diễn ra vừa qua, Cảng Gothenburg đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công Thương Hải Phòng và Tân cảng Sài Gòn. Ông kỳ vọng gì ở sự hợp tác giữa Cảng Gothenburg với Hải Phòng và Tân cảng Sài Gòn trong thời gian tới?
Biên bản ghi nhớ với Sở Công Thương Hải Phòng và Tân Cảng Sài Gòn sẽ mang lại một thông điệp rõ ràng hơn tới thị trường rằng thông qua sự hợp tác của cả hai bên, mong muốn chung của chúng tôi là làm cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả nhất có thể. Đồng thời, đảm bảo rằng chúng tôi thực hiện theo hướng hiện đại và bền vững hơn.
Cả hai bên đều có lịch sử lâu dài với nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức, cùng nhau chúng ta sẽ khai thác các nghiệp vụ để đảm bảo rằng những việc chúng tôi làm có thể mang lại giá trị cho các phân khúc của chuỗi cung ứng mà các bên tham gia. Hy vọng chúng tôi có thể tạo ra nguồn cảm hứng cho các cơ hội hợp tác mới.
Với bản ghi nhớ này, theo ông, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung sẽ được lợi ra sao?
Quay trở lại 55 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, chúng ta đã đi một chặng đường dài để chứng minh ý định xây dựng một nền tảng hợp tác tốt đẹp.
Với các đối tác tại Việt Nam và Thụy Điển, đặc biệt là Sở Công Thương Hải Phòng, Tân cảng Sài Gòn cùng với Cảng Gothenburg, thông qua hợp tác, chúng tôi hy vọng tạo ra giá trị và sự tin tưởng rằng chúng tôi ở đây để hỗ trợ ngành công nghiệp trong chuỗi cung ứng. Xây dựng mối quan hệ, phát triển thêm kiến thức và chia sẻ thực hành tốt tạo nên cơ sở hợp tác và giảm bớt rào cản trong các lĩnh vực mới. Tôi kêu gọi các công ty Việt Nam tận dụng Hiệp định EVFTA, thông qua các tổ chức đại diện thương mại cũng như cảng của chúng tôi để có các chỉ dẫn cụ thể. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Để hiện thực hoá những nội dung trong bản ghi nhớ, thời gian tới, Cảng Gothenburg sẽ triển khai những giải pháp gì?
Chúng tôi sẽ tăng cường thực thi tính chuyên nghiệp vốn có trong tổ chức của mình, tăng cường sự hiểu biết về tiềm năng và giới thiệu năng lực của chúng tôi tới thị trường. Chúng ta đang sống trong một thế giới rất năng động, vì vậy điều quan trọng là cần phải linh hoạt và có khả năng thích ứng, ví dụ như hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Cảng Gothenburg có lịch sử phát triển lâu đời, chúng tôi đã kỷ niệm 400 năm thành lập vào năm 2020. Chúng tôi cung cấp nhiều giải pháp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đa dạng cùng với mạng lưới đường sắt rộng lớn, mô hình Cảng đường sắt Bắc Âu của chúng tôi giúp kết nối cảng với khu vực vùng xa của Thụy Điển và Na Uy. Nền tảng sự hiểu biết cũng như giải pháp của chúng tôi tại thị trường Thuỵ Điển là rất tốt, tuy nhiên, điều quan trọng là chúng tôi cần tìm hiểu và nắm bắt thêm về quan điểm của Việt Nam để phát triển các giải pháp hiện có cũng như các giải pháp mới nhằm đồng hành và triển khai MOU này hiệu quả nhất.
Với vai trò là cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào khu vực thị trường Bắc Âu?
Thực tế, chúng tôi đang nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ châu Á, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Kinh nghiệm của chúng tôi là các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ khách hàng của mình tại thị trường Bắc Âu, nhu cầu cũng như sản phẩm của họ để có thể cùng hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA.
Có rất nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực, bao gồm Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD), trong đó các doanh nghiệp được yêu cầu phải ghi lại phạm vi phát thải của mình. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng có thể cung cấp thông tin một cách đầy đủ; xây dựng mối quan hệ, sự tin tưởng, độ tin cậy và luôn để tâm đến phát triển bền vững.
Cảng Gothenburg chiếm 57% thị phần container ra/vào Thụy Điển, đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để có thể tiếp nhận tàu thuyền, thiết bị cảng, tàu hỏa, xe tải một cách hiệu quả và cũng cung cấp các giải pháp bền vững, ví dụ như nhiên liệu tái tạo và sinh học, nguồn điện trên bờ, trạm sạc điện và trạm hydro cho xe tải hạng nặng. Mạng lưới cảng đường sắt (Railport Scandinaiva), vận chuyển hơn 60% tất cả các container di chuyển đến và đi từ cảng. Hợp tác với Cảng Gothenburg sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế vận chuyển hàng hóa hiệu quả trên khắp Thụy Điển.
Xin cảm ơn ông!
Trong hai năm 2023 và 2024, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã dẫn đoàn doanh nghiệp Bắc Âu về Việt Nam dự Vietnam Internatinonal Sourcing do Bộ Công Thương tổ chức. Trong Vietnam Internatinonal Sourcing năm 2023, Cảng Gothenburg là một trong những cảng đã tham gia đoàn doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Cảng Gothenburg đã có chuyến làm việc tại Hải Phòng, thăm Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và gợi mở những định hướng hợp tác giữa hai bên. Các bản ghi nhớ hợp tác được ký kết để cùng xúc tiến thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác cảng đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho ngành khai thác cảng, dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng... |