| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cơ chế CBAM của EU và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam

Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Vậy Cơ chế CBAM là gì, tác động thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU và cần giải pháp ứng phó, thích ứng ra sao với chính sách mới này của EU?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là gì?

EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). EU cũng tin rằng, một Cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

Về bản chất, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Về cơ chế cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

“EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua. Đây là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu.” - Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu.

Trước đó, năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế về việc xả thải carbon ra môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.

Theo các chuyên gia, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ Cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu Cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Lộ trình thực hiện và những ngành hàng bị tác động đầu tiên

Theo Quy định (EU) 2023/956 ngày 10/5/2023 của Ủy ban Châu Âu về thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tại EU, Cơ chế CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/01/2024.

Theo đó, nhà nhập khẩu có nghĩa vụ phải báo cáo sản lượng hàng hóa chịu tác động của cơ chế điều chỉnh các bon khi nhập hàng vào EU. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong thời gian chuyển tiếp này.

Nghĩa vụ báo cáo trong giai đoạn chuyển tiếp

Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban Châu Âu thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên EU.

Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.

Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.

Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31/5 hàng năm về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.

Quy trình khai báo CBAM và giao nộp chứng chỉ CBAM trong giai đoạn vận hành

Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba, rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ. Các quốc gia ngoài EU có chính sách định giá carbon rõ ràng, ví dụ, thuế carbon hoặc thị trường carbon ETS, có thể được miễn trừ CBAM cho một số hàng nhập khẩu cụ thể.

“EU áp dụng cơ chế CBAM nhằm thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa các-bon. CBAM có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam.” - Bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á.

Nếu xét về mặt tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Khuyến nghị giải pháp với Việt Nam

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.

Để ứng phó với quy định này của EU, theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động tích cực của cơ chế này.

Theo đó, về phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm ban hành hướng dẫn, doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM; tham gia vào các đối thoại mang tính xây dựng với EU và đàm phán với EU để đưa ra các điều kiện có lợi cho Việt Nam; cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...

Đặc biệt, cần xem xét việc áp dụng định giá carbon trong bối cảnh tổng thể. Theo kinh nghiệm từ các dự án thẩm định tín chí carbon hiện nay, quá trình xác minh dữ liệu và khảo sát hiện trường thường mất từ 3 – 6 tháng. Nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.

Với doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU. Trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Theo chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế CBAM, mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam thông tin về lượng sản phẩm, lượng phát thải trong sản phẩm, chi phí trả cho định giá các-bon trong nước... Ghi nhận thực tế cho thấy, một số đối tác châu Âu đã có động thái này.

“Hiện doanh nghiệp Việt mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất.” - Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM.

Về phần mình, các doanh nghiệp cho rằng, khi CBAM được áp dụng, nhà nhập khẩu EU phải nhận thông tin liên quan đến phát thải carbon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan chính phủ EU nhưng thủ tục này rất khó khăn và có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại theo quy định của WTO. Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2.

VCCI

Nội dung liên quan