Theo Cơ quan quản lý Kinh tế Đài Loan (MOEA), Đài Loan báo cáo doanh số bán lẻ trong tháng 6 cao nhất từ trước đến nay nhờ chi tiêu nội địa tiếp tục tăng trưởng vững chắc.
Dữ liệu do MOEA tổng hợp cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 6 đạt tổng cộng 401,5 tỷ Đài tệ (~12,24 tỷ đô la Mỹ), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 34 liên tiếp chỉ số này tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây cũng là chuỗi tăng trưởng doanh số bán lẻ dài nhất trong lịch sử của Đài Loan.
Theo MOEA, các nhà bán lẻ địa phương cũng được hưởng lợi từ các chiến dịch khuyến mại cũng như kỳ nghỉ lễ kéo dài ba ngày của Lễ hội đua thuyền (Tết Đoan Ngọ) trong tháng 6. Số liệu của MOEA cũng cho thấy, lũy kế trong nửa đầu năm nay, tổng doanh số bán lẻ đạt 2,37 nghìn tỷ Đài tệ, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của MOEA, trong tháng 6, doanh số bán hàng của các chuỗi cửa hàng bách hóa và siêu thị lần lượt tăng 6,3% và 8,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 33,1 tỷ Đài tệ và 20,7 tỷ Đài tệ. Ngoài ra, theo MOEA, các nhà điều hành cửa hàng tiện lợi và chuỗi đại siêu thị cũng đã tăng lần lượt 4,7% và 5,3% so với cùng kỳ năm trước lên 35,4 tỷ Đài tệ và 18,9 tỷ Đài tệ trong tháng 6. Trong "hạng mục bán lẻ khác", liên quan đến giáo dục, giải trí và vật liệu xây dựng, doanh số cũng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước lên 13,8 tỷ Đài tệ khi MOEA cho rằng sự tăng trưởng này là do nhu cầu du lịch bùng nổ và doanh số bán hàng tại các cửa hàng miễn thuế tăng.
MOEA cho biết, nhờ sự gia tăng của xe điện, doanh số bán xe máy và xe du lịch trên thị trường bán lẻ địa phương đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao mới là 86,6 tỷ Đài tệ trong tháng 6. Theo số liệu, trong tháng 6, doanh số bán hàng của ngành thực phẩm và đồ uống đạt 87,0 tỷ Đài tệ, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và lũy kế trong nửa đầu năm, doanh thu của ngành này đạt tổng cộng 515,8 tỷ Đài tệ, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
(Các hoạt động cúng, tế trong "Tháng cô hồn" được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số bán lẻ thực phẩm trong tháng này)
Về triển vọng, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thô, từ đó làm tăng giá sản phẩm và tác động đến mức tiêu thụ trong nửa cuối năm nay của người dân tại Đài Loan.
Nhưng đối với tháng 7, MOEA dự đoán, doanh số bán lẻ dự kiến sẽ dao động trong khoảng từ 405,1 tỷ Đài tệ đến 416,8 tỷ Đài tệ, tăng 3,7-6,7% so với cùng kỳ năm ngoái vì nhiều nhà bán lẻ, bao gồm cả các cửa hàng tiện lợi, đã tung ra các chiến dịch bán hàng lớn cho Tháng cô hồn sắp tới, sẽ diễn ra từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9.
Ở Đài Loan, Tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) là ngày lễ quan trọng, được đánh dấu bằng việc các cá nhân hoặc công ty mua nhiều vật phẩm cúng dường, chẳng hạn như nước ngọt, mì ăn liền, bánh quy và trái cây, để thờ cúng các hồn ma và linh hồn sẽ được giải thoát khỏi địa ngục khi cánh cửa địa ngục mở ra vào ngày đầu tiên của tháng.
MOEA dự kiến doanh số bán hàng của ngành thực phẩm và đồ uống dự kiến sẽ dao động trong khoảng từ 88,3 tỷ Đài tệ đến 90,9 tỷ Đài tệ, tăng 0,8-3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo MOEA, doanh số bán buôn của địa phương tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước lên 1,06 nghìn tỷ Đài tệ.
MOEA cho biết sự tăng trưởng này diễn ra sau khi các nhà cung cấp máy móc tận hưởng sự gia tăng về lượng hàng xuất xưởng vì khách hàng của họ trong lĩnh vực sản xuất muốn mua thiết bị để phát triển công nghệ mới nổi, bao gồm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị điện toán hiệu suất cao.
MOEA cho biết thêm, lũy kế trong nửa đầu năm nay, doanh thu trong lĩnh vực bán buôn địa phương đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,24 nghìn tỷ Đài tệ.
Dữ liệu thống kê của MOEA, quý độc giả/ doanh nghiệp quan tâm tìm đọc như phụ lục đính kèm./.
Taiwan Sales of Wholesale, Retail and Food Services in June 2024.xls