| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thủ tục nhập khẩu trứng, gia cầm giống vào Myanmar

Theo Cục Chăn nuôi và Thú ý, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar, để được nhập khẩu vào Myanmar, các doanh nghiệp cần lưu ý một số thủ tục

Trong những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân, ngành chăn nuôi gia cầm Myanmar đã phát triển nhanh chóng. Tổng đàn gia cầm tăng từ khoảng trên 150 triệu con năm 2009 lên tới khoảng gần 350 triệu con hiện nay. Trước sự cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ, các trang trại và hộ chăn nuôi gia cầm trong nước của Myanmar cũng đã và đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại từ quy mô nhỏ trước đây.

Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi gia cầm Myanmar, nhu cầu nhập khẩu trứng, gia cầm giống vào Myanmar cũng rất tiềm năng. Theo Cục Chăn nuôi và Thú ý, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar, để được nhập khẩu vào Myanmar, các doanh nghiệp cần lưu ý một số thủ tục gồm những bước như sau:

Bước 1

Nhà nhập khẩu trứng, gia cầm giống phải nộp đơn xin giấy đề nghị cho phép nhập khẩu (recommendation certificate) cho Cục Chăn nuôi và Thú y (LBVD) với các chứng từ sau:

- Đơn có tiêu đề của công ty do giám đốc ký;

- Bản sao Giấy chứng thú y do cơ quan thú y nước xuất khẩu cấp;

- Giấy chứng nhận đăng ký trang trại (nếu có);

- Hóa đơn;

- Hợp đồng mua bán;

- Giới thiệu của Liên đoàn Chăn nuôi Myanmar;

- Bản sao đăng ký công ty;

- Các mẫu (mẫu VI, mẫu XXVI của LBVD);

- Chứng nhận bao gồm mô tả đầy đủ hoặc nhận dạng động vật.

Bước 2

LBVD sẽ kiểm tra xem hồ sơ giấy tờ có đầy đủ và đảm bảo không. Nêu không đủ thì LBVD sẽ thông báo nhà nhập khẩu để hoàn thiện hoặc từ chối. Đối với hồ sơ đầy đủ và chính xác, LBVD sẽ cấp giấy đề nghị cho phép nhập khẩu.

Nhà nhập khẩu sẽ tiếp tục nộp đơn xin giấy phép nhập khẩu tại Bộ Thương mại Myanmar.

Bước 3

Khi đến cảng chỉ định hoặc trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu được chỉ định của Myanmar, nhà nhập khẩu phải nộp Tờ khai nhập khẩu và các tài liệu liên quan cho Cục Hải quan và LBVD để kiểm tra trong phòng thí nghiệm (lab) thông qua Hệ thống Thông quan hàng hóa tự động Myanmar (MACCS). LBVD sẽ kiểm tra xem trứng và gia cầm giống ra sao và các giấy tờ kèm theo như chứng nhận thú y cho cán bộ thú ý được ủy quyền ký, mô tả động vật nhập khẩu, giấy đề nghị cho phép nhập khẩu của LBVD, giấy phép nhập khẩu do Cục Thương mại, Bộ Thương mại Myanmar cấp, chứng nhận thú y của cơ quan thú ý nước xuất khẩu cấp, danh mục hàng hóa, vận đơn.

Bước 4

Nếu kết quả xét nghiệm phòng lab có kết quả âm tính với các bệnh được mô tả đối với trứng và gia cầm giống, LBVD sẽ cấp giấy chứng nhận thú y cho nhà nhập khẩu.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ, LBVD có trách nhiệm thành lập các trạm kiểm tra tại các khu vực cần thiết để kiểm tra động vật sống nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải trả phí kiểm dịch, phí xét nghiệm và phí cho giấy chứng nhận thú y (2 MMK/01 trứng và 4 MMK/con) do LBVD yêu cầu.

Một số chú ý:

Tổng thể quá trình làm thủ tục sẽ mất từ ​​7 đến 10 ngày.

1. Giấy chứng thú ý phải bao gồm các thông tin sau.

a. Giấy chứng nhận phả hệ phải đi kèm với trứng hoặc gia cầm giống nhập khẩu khi đến nơi.

b. Trứng và gà giống phải có nguồn gốc từ trang trại được công nhận chính thức.

c. Quốc gia xuất xứ phải không có dịch cúm gà, bệnh Salmonella pullorum và cúm gia cầm nguy cơ gây bệnh cao.

d. Trong (6) tháng ngay trước khi xuất khẩu, cơ sở xuất xứ phải không có dấu hiệu lâm sàng hoặc các bằng chứng khác về bệnh viêm não ở gia cầm, hội chứng rụng trứng (EDS), bệnh thiếu máu truyền nhiễm do nhiễm vi rút Parvo và bệnh sùi mào gà.

e. Trứng và gia cầm giống một ngày tuổi phải được lấy từ trại giống đã được cán bộ thú y có thẩm quyền phê duyệt quy trình quản lý, vệ sinh và an toàn dịch bệnh theo Công ước Thú y Quốc tế của OIE.

f. Trứng và gia cầm giống một ngày tuổi phải được đóng hàng trực tiếp từ lò ấp sang thùng mới chưa sử dụng để xuất khẩu và không tiếp xúc với trứng, gia cầm của các loài gia cầm khác không có tình trạng sức khỏe tương tự.

2. Gia cầm giống một ngày tuổi phải được kiểm dịch tại các cơ sở đã được phê duyệt trong thời gian ít nhất 14-30 ngày sau khi đến nơi, trong thời gian này hàng sẽ được gửi đi kiểm trả hoặc xử lý nếu cần.

3. Nhà nhập khẩu hoặc chủ sở hữu phải chịu hoàn toàn các chi phí phát sinh. Đối với gia cầm hoang dã phải được giám sát, kiểm tra liên tục trong vòng (30) ngày trước ngày xuất khẩu.

4. Việc không tuân thủ các thủ tục nhập khẩu có thể bị trả lại hàng về nước hoặc bị tiêu hủy mà không được bồi thường.

Thương vụ Việt Nam tại Myanmar

Nội dung liên quan