Theo đánh giá và công bố của Học viện Tài chính quốc tế - IIF mới đây cho thấy thu nhập bình quân đầu người của Ca-ta năm 2012 là 106.000 USD (tính theo sức mua ngang giá PPP). Đây là năm thứ ba liên tiếp nước này đứng đầu danh sách xếp hạng về thu nhập bình quân đầu người trên thế giới. Đứng thứ hai bảng xếp hạng là Lúc-xăm-bua với mức thu nhập bình quân đầu người là 80.000 USD, thứ ba là Xinh-ga-po 61.000 USD, thứ thư là Na-uy 54.000 USD bằng gần một nửa của Ca-ta. Năm 2010 Ca-ta được đánh giá có mức thu nhập cao nhất thế giới là 88.000 USD vượt qua Lúc-xăm-bua trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng. Từ đó đến nay Ca-ta luôn dẫn đầu bảng xếp hạng thu nhập đầu người theo đánh giá của IIF.
Năm 2012, với việc tăng trưởng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng cùng giá dầu thế giới tăng cao, quốc gia Trung Đông này có mức thu nhập quốc dân GDP đạt 182 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Dân số Ca-ta khoảng 1,9 triệu người đã giúp cho nước này có mức thu nhập bình quân đầu người vượt xa so với các nước xuất khẩu dầu lửa trong khu vực Trung Đông và các nước trong khối GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh). Thu nhập bình quân đầu người của Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) năm 2012 là 45.781 USD, Ô-man là 25.806 USD, Ả-rập Xê-út là 22.377 USD và Ba-ranh là 20.770 USD.
Những năm gần đây, Ca-ta nổi lên như là một quốc gia thành công trong phát triển kinh tế và quảng bá thương hiệu quốc gia. Là một quốc gia nhỏ ở khu vực Trung Đông nhưng quốc gia này có kế hoạch rất lớn để phát triển thương hiệu quốc gia. Đây là quốc gia trong khu vực Trung Đông ủng hộ mạnh mẽ các nước phương Tây trong những biến động chính trị, xã hội tại một số nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi thời gian gần đây. Với tiềm lực tài chính dồi dào, không chỉ đầu tư lớn phát triển cơ sở hạ tầng trong nước mà quốc gia này đang có chiến lược đầu tư ra nước ngoài rất lớn. Quĩ đầu tư Ca-ta (Qatar Investment Authority) với tài sản là 115 tỷ USD đã mua lại cổ phần của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như VW- Porsche, LVMH, Ngân hàng Credit Suisse, Barclays. Ngoài ra, Ca-ta cũng đầu tư nhiều vào các dự án trong lĩnh vực dầu khí ở Châu Âu và Châu Á.
Trong xu hướng đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ của Ca-ta thời gian gần đây, một số quốc gia trong khu vực Châu Á khá thành công trong việc thu hút đầu tư của Ca-ta vào nước mình để tận dụng năng lực tài chính dồi dào từ quốc gia giàu có của Trung Đông này. Phát triển hợp tác đầu tư cũng là một hình thức để tăng cường thúc đẩy trao đổi thương mại với Ca-Ta. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp và đầu tư với Ca-ta trong thời gian tới.
Nguồn: www.zawya.com
Lê Linh