Cổng thông tin Vietnamexport xin trân trọng giới thiệu Bản tin thị trường Đài Loan, cập nhật một số thông tin kinh tế nổi bật tại địa bàn tuần qua (từ 31/10~4/11 năm 2022), do Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổng hợp.
Uni-President Group và Ting Hsin đạt thỏa thuận giải quyết vụ kiện dầu mỡ bẩn
Uni-President Group (Thống Nhất), một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu ở Đài Loan, cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã đạt được thỏa thuận dàn xếp với đối tác địa phương là Tập đoàn Ting Hsin International Group (Đỉnh Tân) trong một vụ bê bối dầu mỡ bẩn xảy ra năm 2014.
Uni-President Group cho biết các công ty con của họ - thương hiệu thực phẩm Uni-President Enterprises Corp., President Chain Store Corp., nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Đài Loan đã đồng ý dàn xếp với Ting Hsin trong một vụ kiện dân sự.
Theo kết quả của việc dàn xếp, ba công ty con của Uni-President Group sẽ nhận được khoản bồi thường tổng hợp trị giá 170 triệu Đài tệ (5,29 triệu USD) từ Ting Hsin cho những tổn thất phát sinh trong vụ bê bối dầu ăn không đạt tiêu chuẩn.
Sau khi loại trừ các chi phí pháp lý và các chi tiêu khác, Uni-President Group cho biết ba công ty con của Tập đoàn này dự kiến sẽ nhận được 150 triệu Đài tệ, số tiền này như đã hứa trước đó sẽ được Uni-President quyên góp cho các mục đích phúc lợi công cộng.
Vào năm 2014, Cheng I Food Co., - một công ty con của tập đoàn công nghiệp thực phẩm khổng lồ Đài Loan là Ting Hsin, bị phát hiện đã sử dụng dầu mỡ cặn và dầu nhập khẩu dùng làm thức ăn gia súc trong các sản phẩm dầu ăn của mình. Theo một tài liệu của tòa án, dầu nhập khẩu từ Việt Nam và Hồng Kông của Ting Hsin đã được trình báo với hải quan Đài Loan là làm thức ăn gia súc để trốn thuế nhập khẩu 20% đối với dầu sử dụng làm thực phẩm ăn được và tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Các sản phẩm này sau đó đã được bán cho một nhóm các nhà cung cấp thực phẩm địa phương bao gồm ba công ty con của Uni-President Group sử dụng trong các sản phẩm của họ. Khi vụ việc vỡ lở đã dẫn đến thua lỗ lớn cho các công ty con này của Uni-President. Ting Hsin sau đó đã phải đối mặt với cả các vụ kiện dân sự và hình sự sau vụ bê bối dầu mỡ gây ra làn sóng phản đối gay gắt từ công chúng về vấn đề an toàn thực phẩm.
Tăng trưởng GDP của Đài Loan đạt 4,1% trong quý 3
Với nhu cầu toàn cầu giảm tác động đến xuất khẩu của Đài Loan, Cơ quan thống kê Đài Loan (DGBAS) cho biết tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tháng 7-9 của đảo này chỉ đạt 4,1% thấp hơn 0,61 điểm phần trăm so với ước tính trước đó là 4,71 phần trăm được đưa ra vào cuối tháng 8.
Theo DGBAS, cho biết nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại vào thời điểm các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gấp rút thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, trong khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero-COVID cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa do Đài Loan sản xuất đã thấp hơn khoảng 8,2 tỷ USD so với dự báo trước đó. Số liệu của DGBAS cho thấy, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Đài Loan đã tăng 1,36% so với một năm trước đó trong quý 3, song giảm 4,81 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 8.
Cũng do nhu cầu suy yếu, DGBAS cho biết, nhiều nhà đầu tư Đài Loan chuyển sang thận trọng trong việc mua nguyên liệu và thiết bị cho sản xuất, do đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 1,20% trong quý này, tức giảm 2,78 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân
Một điều đáng chú ý là khi các lo ngại về dịch bệnh COVID-19 được giảm bớt đã thúc đẩy chi tiêu cá nhân, với tiêu dùng cá nhân trong quý 3 tăng 7,49% trong quý 3, mức tăng cao nhất kể từ quý 2 năm 2004, khi tăng trưởng đạt 8,97%.
DGBAS cho hay, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân tăng trong quý 3 cũng phản ánh cơ sở so sánh tương đối thấp so với cùng kỳ năm ngoái, khi cảnh báo COVID-19 khi đó đã được nâng lên cấp độ 3 để hạn chế việc di chuyển của người dân.
Tiêu dùng tư nhân trong quý 3 năm nay cũng cao hơn dự báo trước đó 1,0 điểm phần trăm, đóng góp 3,24 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý. DGBAS cho biết thêm rằng tiêu dùng tư nhân mạnh hơn dự kiến đã giúp nền kinh tế địa phương vượt qua tác động của xuất khẩu yếu hơn trong quý 3.
DGBAS tin tưởng, khi Đài Loan nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới trong bối cảnh COVID-19, lượng khách nước ngoài đến dự kiến sẽ tăng và xuất khẩu dịch vụ cũng có thể tăng để hỗ trợ nền kinh tế địa phương trong thời gian còn lại của năm nay.
Chỉ số sản xuất cho thấy kinh tế Đài Loan tăng trưởng chậm chạp do kinh tế toàn cầu suy yếu
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (TIER) trong một báo cáo hôm thứ Hai cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh hơn dự kiến, khu vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Đài Loan tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng chậm chạp trong tháng 9.
Dữ liệu được TIER - một trong những tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu ở Đài Loan cho thấy, Chỉ số tổng hợp đo lường các yếu tố cơ bản của lĩnh vực sản xuất của Đài Loan trong tháng 9 đã giảm 0,62 điểm so với một tháng trước đó xuống 10,53 điểm, tiếp tục hiện thị màu vàng-xanh lam trong tháng thứ bảy liên tiếp, báo hiệu sự suy yếu tiếp tục trong hoạt động sản xuất.
Điểm số trong tháng 9 này cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020 và chỉ cao hơn 0,03 điểm so với hiển thị màu xanh lam là 10,5 điểm.
Chỉ số tổng hợp đo lường các yếu tố cơ bản của lĩnh vực sản xuất được thống kê tính toán bằng cách xem xét năm lĩnh vực: nhu cầu, giá bán, chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu và môi trường hoạt động.
Nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống hiển thị năm bậc màu sắc để đánh giá hoạt động kinh tế, với màu đỏ cho thấy tăng trưởng quá nóng, màu vàng-đỏ cho thấy tăng trưởng nhanh, trong khi màu xanh lá cây biểu thị sự tăng trưởng ổn định, còn màu vàng-xanh lam báo hiệu sự tăng trưởng chậm chạp và màu xanh lam cho thấy sự co lại.
TIER cho biết, các yếu tố như việc các ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ và châu Âu tăng lãi suất nhằm chống lạm phát, bế tắc của chiến tranh Nga-Ukraine và tác động của chính sách không COVID của Trung Quốc đối với sự phục hồi kinh tế vv… đã khiến tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ 6,0% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống 2,7%, giảm 0,2 điểm so với dự báo hồi tháng 7.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của các nhà sản xuất Đài Loan trong tháng 9 đã kết thúc chuỗi lần lượt tăng trưởng 26 và 31 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các đơn đặt hàng xuất khẩu mà các công ty Đài Loan nhận được cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, là mức giảm thứ ba trong năm nay. Theo TIER, điều này tác động tiêu cực đến các chỉ số phụ về nhu cầu và mua nguyên liệu thô cho sản xuất trong lĩnh vực sản xuất.
Hơn nữa, các đợt tăng lãi suất lớn ở Mỹ và Châu Âu, thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu và việc điều chỉnh giảm dự trữ trong ngành điện tử đã khiến các nhà sản xuất hạ cấp triển vọng cho tương lai và kéo chỉ số tổng hợp của ngành sản xuất trong nước đi xuống.
Trong tương lai, TIER chỉ ra rằng nên theo dõi chuyển động của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, bao gồm cả việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tăng trưởng sau khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất hay diễn biến chính trị ở Trung Quốc và tác động đến sự phát triển kinh tế Trung Quốc của các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
TIER lưu ý rằng hầu hết các công ty sản xuất của Đài Loan đều có nhà máy tại Trung Quốc, sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Trung Quốc phải được theo dõi chặt chẽ vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất Đài Loan.
Đài Loan cân nhắc các ưu đãi thuế để thúc đẩy đầu tư vào chất bán dẫn
Người đứng đầu cơ quan quản lý Kinh tế Đài Loan (MOEA) bà Wang Mei-hua hôm thứ Năm cho biết, Đài Loan đang cân nhắc các ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư vào các quy trình sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu như một phần trong nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh của Đài Loan trong ngành bán dẫn.
Bà Wang cho hay, vào cuối tháng 11 MOEA sẽ đề xuất sửa đổi Luật Đổi mới sáng tạo, nhằm đưa ra một gói chính sách để củng cố ngành công nghiệp này.
Gói chính sách này sẽ bao gồm các đề xuất thu hút các kỹ sư sản xuất vi mạch, sau khi Mỹ triển khai chính sách mới, cấm công dân Mỹ hoặc cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Mỹ làm việc tại Trung Quốc.
Bà Wang nói thêm rằng MOEA cũng sẽ soạn thảo các biện pháp để ngăn các kỹ sư vi mạch Đài Loan chuyển sang Trung Quốc - một vấn đề mà Đài Loan đã phải vật lộn thời gian qua khi đối mặt với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút nhân tài công nghệ từ Đài Loan với mức lương cao, đãi ngộ đặc quyền và các vị trí cấp cao tại các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Bà Wang đã đưa ra các ý kiến này sau buổi thuyết trình về các biện pháp ứng phó của Đài Loan sau khi Hoa Kỳ công bố các lệnh kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng sản xuất máy tính và bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành bán dẫn của Đài Loan.
Đầu tháng này, Mỹ đã mở rộng phạm vi hạn chế xuất khẩu áp đặt đối với Trung Quốc trong nỗ lực ngăn cản sự phát triển của nước này bằng cách hạn chế quyền truy cập vào các thiết bị tiên tiến để phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Theo báo cáo, chính sách của Mỹ sẽ có tác động hạn chế đến ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan.
TSMC được báo cáo đang xây dựng chip fab 1nm ở miền bắc Đài Loan
Gã khổng lồ bán dẫn Đài Loan tiếp tục đầu tư vào các khu sản xuất tại Đài Loan cho các chip nút quy trình tiên tiến.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) được cho là đang lên kế hoạch xây dựng fab 1nm (nanomet) ở Đào Viên – một thành phố phía Bắc của Đài Loan. Các báo cáo cho thấy, Nhà máy được đề xuất sẽ được đặt tại một khu công nghiệp ở quận Longtan của thành phố này, vốn do Công viên Khoa học Tân Trúc (HSP) điều hành.
Báo cáo trích dẫn các nguồn tin nói rằng sự đầu tư này nhận được hỗ trợ từ HSP và thực tế là TSMC đã đang điều hành hai nhà máy đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn tại khu công nghệ Longtan khiến Trung tâm sản xuất này trở thành một nơi lý tưởng để sản xuất chip 1nm.
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã không phủ nhận hay xác nhận báo cáo nêu trên, chỉ nói rằng không loại trừ bất kỳ khả năng nào. TSMC nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất chip tiên tiến ở Đài Loan.
Các chip 3nm của TSMC sẽ được sản xuất hàng loạt trong quý 4 và chiếm khoảng 4% đến 6% tổng sản lượng của hãng trong năm tới. Phiên bản nâng cấp của chip 3nm (N3E) dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất thương mại vào nửa cuối năm 2023.
TSMC có thể sẽ sản xuất hàng loạt chip 2nm được mong đợi vào năm 2025 tại cơ sở Baoshan của HSP tại Trung tâm silicon Tân Trúc. Các chip 2nm được quảng cáo là cho phép tốc độ tính toán nhanh hơn 10% đến 15% và sử dụng điện năng ít hơn từ 25% đến 30% so với các chip 3nm của công ty hiện nay.
Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Đài Loan tăng 80% trong 5 năm qua
Theo Cơ quan quản lý Tài chính Đài Loan (MOF), với việc các nhà cung cấp vi mạch địa phương muốn mở rộng sản xuất và nâng cấp công nghệ, nhập khẩu thiết bị bán dẫn sang Đài Loan đã tăng gần 80% trong 5 năm qua.
Dữ liệu do bộ phận thống kê của MOF tổng hợp cho thấy việc mua thiết bị bán dẫn của Đài Loan đạt tổng trị giá 25,4 tỷ USD vào năm 2021, tăng 79,9% so với năm 2016, do các công ty Đài Loan chi nhiều hơn cho đầu tư.
Năm 2021, châu Âu là nhà cung cấp lớn nhất cho Đài Loan khi bán máy móc sản xuất chất bán dẫn trị giá 9,5 tỷ USD, tăng 190% so với năm 2016.
Theo MOF, Hà Lan là đối tác xuất khẩu hàng đầu nhóm sản phẩm này cho Đài Loan.
Các nhà phân tích thị trường cho biết nhà sản xuất hệ thống quang khắc Hà Lan ASML Holding NV đã trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị đúc wafer quan trọng nhất cho các nhà sản xuất Đài Loan.
Một trong những công ty được ASML cung cấp máy móc là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
TSMC đã đầu tư một khoản đáng kể trong những năm gần đây để phát triển các quy trình tiên tiến, chẳng hạn như công nghệ 3 nanomet của công ty, dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay.
Theo MOF, Nhật Bản là nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn thứ hai cho Đài Loan với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2021, tăng 25,5% so với năm 2016.
Năm 2021, Đài Loan nhập khẩu thiết bị bán dẫn trị giá 5 tỷ USD từ Hoa Kỳ, tăng 43,8% so với năm 2016, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tăng 57,0% trong 5 năm lên đạt 3 tỷ USD vào năm 2021.
MOF cho biết Đài Loan đã mua các chất bán dẫn trị giá 20,3 tỷ USD từ Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2021, tăng 190% so với năm 2016, với nhu cầu về chip bộ nhớ, bao gồm cả chip truy cập bộ nhớ ngẫu nhiên động (DRAM), đang tăng lên.
Trong khi đó, MOF cho biết Đài Loan đã xuất khẩu chất bán dẫn trị giá 155,5 tỷ USD ra nước ngoài vào năm 2021, tăng gần 100% so với năm 2016.
Theo MOF, nhu cầu tăng mạnh nhờ sự hiện diện của các công nghệ mới nổi như ứng dụng 5G và thiết bị điện toán hiệu suất cao.
Ngoài ra, xuất khẩu máy tính, phụ kiện và linh kiện máy tính của Đài Loan lần lượt đạt 17,6 tỷ USD và 12,0 tỷ USD vào năm 2021, tăng 250% và 190% so với năm 2016.
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư Đài Loan đã quay lại Đài Loan để mở rộng sản xuất và nền kinh tế làm việc tại nhà hạn chế đi lại trong bối cảnh COVID-19 cũng thúc đẩy doanh số bán hàng.
MOF cho biết xuất khẩu chất bán dẫn của Đài Loan đạt tổng trị giá 45,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay và tăng thêm lên 47,13 tỷ USD trong quý II trước khi giảm xuống còn 46,85 tỷ USD trong quý thứ ba do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Tuy nhiên, MOF cho biết kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn năm 2022 của Đài Loan sẽ vượt qua kỷ lục của năm 2021 để thiết lập mức cao kỷ lục mới khác.