Theo ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, Bình Định là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao thương với khu vực và quốc tế: nằm ở Trung tâm của trục Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
“Bình Định có thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại từ vị trí địa lý, địa hình thuận lợi, có đủ 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển) tạo điều kiện để Bình Định khai thác các thế mạnh về tiềm năng lao động, đất đai, các nguồn tài nguyên cho việc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường tiêu - thụ sản phẩm, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, giao thương với các tình trong nước và quốc tế; có nhiều công trình đầu mối hạ tầng quốc gia đã, đang và sẽ được xây dựng như: các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, cảng biển, đường hàng không, sân bay Phù Cát... Đây là những điều kiện thuận lợi giúp Bình Định phát triển thương mại”, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định thông tin.
Theo số liệu thống kê, các mặt hàng có thể mạnh của tỉnh là gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm wicker, nông sản, thủy sản, hàng may mặc,.. chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đến nay tỉnh Bình Định đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục. Kim ngạch xuất khẩu các năm đều tăng, năm sau tăng hơn so với năm trước. Quy mô sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp được đầu tư mở rộng. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang sơ chế, gia công, tinh chế.
Trên cơ sở dự báo xu hướng thương mại thế giới trong thời gian tới bị tác động bởi các yếu tố, để hỗ trợ xuất khẩu, tỉnh Bình Định ưu tiên chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, giảm dần tỷ trọng hàng thô, sơ chế. Các mặt hàng xuất khẩu cần được nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng và kênh phân phối ở nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục tập trung sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Phát triển đa dạng cả phương thức xuất khẩu chính ngạch truyền thống và phương thức xuất khẩu hiện đại. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng như: gỗ, thủy sản, may mặc, bàn ghế nhựa giải mây, Đá granit, hàng nông sản,... Tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế do các FTA mang lại.