Theo Tuần báo Đông Phi, Tập đoàn Africa Power Initiative của Uganda đang lên kế hoạch sản xuất 60 triệu lit nhiên liệu sinh học (bio-diesel) trong khuôn khổ của dự án trồng jatropha (một loại cây thuộc họ thầu dầu) tại vùng Karamoja thuộc phía đông bắc Uganda.
Dự án trồng jatropha để sản xuất biodiesel đã được phê duyệt từ quý 2 năm 2008 và là dự án liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước với đối tác Mỹ. Dự án này thu hút 500 lao động địa phương và được thực hiện trên một khu đất rộng 2000 ha.
Hạt jatropha sau khi thu hoạch sẽ được ép tại nông trường, sau đó dầu thô sẽ được chuyển về nhà máy ở Kampala để tinh luyện. Dự án này được coi là mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội như tạo công ăn việc làm cho người lao động trong vùng, tận dụng được vùng đất khô cằn bỏ hoang, giải quyết nhu cầu năng lượng trong nước và có thể xuất khẩu. Hơn nữa, vùng đất trồng jatropha hiện nay sẽ có thể được tái sử dụng trong 10 đến 15 năm tới để trồng các loại cây khác do cây jatropha đã chặn được tình trạng xói mòn đất.
Jatropha là loại cây thuộc họ thầu dầu và được xem là có nhiều giá trị sinh học. Theo tính toán của các nhà khoa học, cây jatropha có thể sản xuất nhiên liệu gấp 4 lần so với đậu nành và 10 lần so với ngô trên cùng một hecta canh tác. Trung bình một hecta jatropha sẽ sản xuất được 4675 lit nhiên liệu. Biodiesel sản xuất từ Jatropha pha chế với diesel hóa thạch theo tỉ lệ nhất định đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của nhiên liệu, mà động cơ không cần cải hoán nhiều. Không những vậy, dầu Jatropha là dầu sạch, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các phụ phẩm sau dầu được chế biến tiếp thành các chế phẩm sinh học như thức ăn chăn nuôi giàu đạm, dược liệu, các chế phẩm sinh học làm thực phẩm, mỹ phẩm, phân bón và hóa chất dùng trong công nghiệp. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển cây này, nhất là các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Indonexia, Philippin, Mianma và một số nước Châu Phi
Mai Thanh - Theo EABW