| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ca-ta mở cửa cho khu vực tư nhân trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Thương mại Ca-ta, ông Sheikh Jassim Bin Abdulaziz Al Thani, cho biết nước này sẽ thực hiện một đạo luật cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia một cách dễ dàng hơn. Chính phủ nước này đã nhận thấy rằng khu vực tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia. Tương lai của kinh tế đất nước xoay quanh sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, và do đó cần phải đổi mới và minh bạch hơn trong mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế đất nước. Ca-ta là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông với thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới. Đây là một quốc gia nhỏ trong khu vực, nhưng lại có kế hoạch rất lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Năm 2010, Ca-ta thành công trong cuộc đua dành quyền đăng cai tổ chức giải bóng đá vô địch thế giới của FIFA - World Cup 2022. Quốc gia này đã lên kế hoạch đầu tư 160 tỷ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, đặc biệt sẽ thực hiện đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng khác trong 3 năm (2013-2016) với số vốn đầu tư là 130 tỷ USD.

 Một số dự án điển hình trong các kế hoạch xây dựng khổng lồ của Ca-ta đó là: Hệ thống đường sắt quốc gia mới, hệ thống tàu điện ngầm của Doha, và hệ thống  vận chuyển tốc độ cao (25 tỷ USD), sân bay mới tại Doha (10 tỷ USD), một cảng biển mới (7 tỷ USD), cầu và đường cao tốc nối với Ba-ranh (4 tỷ USD), dự án xây dựng trung tâm thủ đô Doha mới hiện đại (5,5 tỷ USD) và một dự án xây dựng đường giao thông, đường nước và xử lý nước thải (20 tỷ USD), xây mới 9 sân vận động và cải tạo 3 sân cũ (5 tỷ USD), kế hoạch xây dựng hệ thống khách sạn mới với trên 90.000 phòng... Ca-ta là một quốc gia dân số ít (1,8 triệu người) và hầu như phải nhập khẩu hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong nước do vậy việc tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia các dự án lớn của quốc gia cũng là để đảm bảo cho việc thực hiện thành công của các dự án và thúc đẩy quá trình xây dựng các dự án được nhanh chóng và thuận lợi. Sự bùng nổ của ngành xây dựng Ca-ta đã thúc đẩy kinh tế của quốc gia này phát triển. Không chỉ ngành xây dựng mà các lĩnh vực ngành nghề khác cũng phát triển theo như cung ứng lực lượng lao động, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, vận tải, du lịch, tài chính, dịch vụ .... Việc Ca-ta đầu tư lớn cho ngành xây dựng là cơ hội kinh doanh lớn cho rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện tại Việt Nam có khoảng trên 500 lao động đang làm việc tại Ca-ta. Đây là số lượng rất nhỏ so với nhu cầu  thực tế của quốc gia này. Bên cạnh đó, những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng là những hàng hóa mà thị trường Ca-a có nhu cầu nhập khẩu như vật liệu xây dựng, đồ nội thất, hàng thực phẩm chế biến, lương thực thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản, nông lâm thổ sản...Tuy nhiên, còn nhiều rào cản nên việc thâm nhập thị trường Ca-ta của hàng hóa Việt Nam thời gian qua còn rất hạn chế. Đó là  khoảng cách địa lý khiến chi phí vận tải tăng cao; sự khác biệt về văn hóa kinh doanh giữa hai nước; thiếu thông tin thị trường; thiếu sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành hàng trong các việc tìm hiểu thông tin và xúc tiến thương mại... Thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn để tiếp cận thị trường Ca-ta, nắm bắt thông tin và tận dụng tốt những cơ hội kinh doanh tại thị trường này.                                     

Lê Linh

Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Nội dung liên quan