Pháp là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,17 tỷ USD.
Quý II giai đoạn 2020-2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp đều đạt kim ngạch khoảng 1,57 tỷ USD/năm, riêng quý II năm 2022 tăng trưởng vượt bậc, đạt kim ngạch 1,78 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, kim ngạch này đạt 1,58 tỷ USD, tăng thêm 10,39 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về mặt hàng, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch cao nhất trong số nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp, với kim ngạch 6 tháng năm 2024 đạt 277,84 triệu USD, tăng 8,57% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ hai là giày dép, với kim ngạch 6 tháng của Việt Nam sang Pháp đạt 267,11 triệu USD, giảm nhẹ 6,34% so với 6 tháng năm 2023. Đứng thứ 3 là hàng dệt may, với kim ngạch tính đến hết tháng 6 năm 2024 đạt 206,01 triệu USD, tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2023. 3 mặt hàng này chiếm 47,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp.
Đối với riêng nhóm hàng nông thủy sản, thủy sản là mặt hàng có sự sụt giảm về kim ngạch (giảm 24,25% với kim ngạch 6 tháng đạt 24,81 triệu USD), trong khi mặt hàng rau quả có sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch (tăng 42,19%, ứng với kim ngạch 6 tháng đạt 22,68 triệu USD).
Cho đến nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, song thực tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tới đây, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Pháp là rất lớn nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Dẫu còn nhiều dư địa để khai thác, thâm nhập thị trường Pháp nhưng doanh nghiệp sẽ đối diện không ít khó khăn, do yêu cầu đòi hỏi của thị trường này cũng rất cao. Vì thế, để tăng cơ hội xuất khẩu, tiếp cận thị trường Pháp, các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng ; nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.
Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hội chợ/triển lãm chuyên nghiệp tại Pháp. Việc tham gia các hội chợ sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích ngắn và dài hạn như : Có được kiến thức và sự hiểu biết về thị hiếu tiêu dùng và tính cạnh tranh của thị trường sở tại đối với những sản phẩm tương tự ; nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm và mang lại trải nghiệm ban đầu cho người tiêu dùng về một sản phẩm mới ; doanh nghiệp có thể trực tiếp bán sản phẩm, thu hồi vốn bỏ ra hoặc thậm chí phát sinh lợi nhuận sau chuyến đi giới thiệu sản phẩm/tìm hiểu thị trường.