Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin đến doanh nghiệp và bạn đọc Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 10-14/4/2023 để tham khảo.
1. Triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong 06 tháng cuối năm 2023
Triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong 06 tháng cuối năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, xung động Nga-Ukraine, lạm phát ở mức cao, biến động tiền tệ. Một số nhóm mặt hàng thế mạnh, dù vẫn duy trì tăng trưởng, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến đơn hàng và sản xuất.
Xuất khẩu được dự báo giảm trong 06 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên, sẽ phục hồi trong 06 tháng cuối năm. Trước đó, giá trị xuất khẩu tháng 02/2023 ghi nhận mức giảm liên tiếp trong tháng thứ 05 đạt mức 22,4 tỉ USD, giảm 4,7% trong 05 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, nhập khẩu đạt 23,5 tỉ USD, tăng 1,1%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 1,11 tỉ USD.
Triển vọng xuất khẩu của Thái Lan gặp khó khăn đã được dự báo từ Quý III và IV/2022 do sụt giảm đơn hàng và sản lượng tại nhiều nhà máy. Xuất khẩu trong 03 tháng cuối năm 2022 ghi nhận mức sụt giảm lần lượt 4,4%, 6% và 14,6%. Nhóm hàng thế mạnh gồm gạo, các sản phẩm từ sắn, cao su, trái cây đóng hộp và chế biến, đường đều ghi nhận mức sụt giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ và châu Âu cũng ghi nhận mức giảm.
Trong tháng 12/2022, Chỉ số Sản xuất (MPI) của Thái Lan cũng giảm 8,19% đạt 93,98 điểm, mức thấp nhất trong 28 tháng qua do kinh tế toàn cầu sụt giảm. Chỉ số MPI năm 2022 giảm 0,62% đạt 98,32 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 06 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu của một số nhóm hàng thế mạnh như ô-tô cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Sản lượng ô-tô xuất khẩu dự báo tăng 1,22% đạt 1,05 triệu xe nhưng phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu; tổng sản lượng ô-tô được dự báo đạt 1,95 triệu xe năm 2023, tăng so với mức 1,88 triệu xe năm 2022.
Nhằm đối phó với nhiều biến động, doanh nghiệp được khuyến cáo tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới bên cạnh những thị trường truyền thống. Chính phủ tăng cường đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với nhiều quốc gia gồm Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Bahrain và Oman. Tính đến tháng 04/2023, Thái Lan hiện có 14 FTA ký với 18 quốc gia; Việt Nam có 16 FTA ký với 55 quốc gia.
2. Chính phủ Thái Lan khuyến khích các hãng hàng không tăng máy bay để hạ giá vé
Nhiều cơ quan hàng không sẽ nhanh chóng thông qua việc xem xét tăng số lượng máy bay của các hàng hàng không nhằm nâng cao năng lực và hạ giá vé – tình trạng giá vé tăng vọt 85% trong Quý I/2023 đã gây ảnh hưởng nhiều tháng nay giữa bối cảnh lưu lượng hành khách tăng 54% trong cùng thời gian.
Sau COVID-19, nhiều hãng hàng không đối mặt với việc đáp ứng nhu cầu di chuyển giữa các quốc gia. Bên cạnh việc thiếu hụt nhân lực, chi phí vận tải tăng cao do giá nhiên liệu cũng khiến việc hoạt động gặp nhiều khó khăn. Chính phủ khuyến khích các hãng hàng không tăng số lượng máy bay nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Các cơ quan chức năng của Thái Lan thường xuyên họp với các hãng hàng không nhằm bảo đảm giá vé phù hợp, đồng thời khuyến cáo người dân mua vé sớm để tránh việc chi trả mức giá cao.
Thái Lan dự kiến đón 30 triệu khách năm 2023, tăng gấp đôi so với mức 11,2 triệu năm 2022. Các cơ sở lưu trú, hãng hàng không và dịch vụ ăn uống được theo dõi sát nhằm bảo đảm không tăng giá cao đối với khách du lịch. Hiệp hội các Hãng hàng không Thái Lan (AAT) cũng thuyết phục Chính phủ giảm giá nhiên liệu và dịch vụ tại sân bay.
3. Những chính sách nổi bật thúc đẩy doanh số trái cây mùa vụ năm 2023
Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp và Bộ Thương mại Thái Lan phối hợp thực thi 22 biện pháp giúp quản lý sản xuất, quảng bá và xúc tiến hàng tại nội địa và nước ngoài, thuận lợi hóa.
Một số biện pháp tiêu biểu gồm đẩy nhanh công tác kiểm tra, chứng nhận GAP (Thực hành nông nghiệp tốt) với mục tiêu đạt trên 120 lô vườn cây ăn quả; mô hình hợp đồng canh tác thu mua sớm, bao gồm cả nông dân và thương lái với mục tiêu đạt trên 100.000 tấn trái cây; giúp doanh nhân và nông dân phân phối trái cây bên ngoài khu vực sản xuất với chi phí 3 Bạt/ kg – mục tiêu đạt trên 90.000 tấn trái cây; hỗ trợ sử dụng cửa hàng tạp hóa lưu động để mua bán trực tiếp trong mùa cao điểm với mục tiêu đạt trên 30.000 tấn trái cây; phối hợp với hệ thống bán lẻ (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích, cây xăng) mở các khu vực bán trái cây cho nông dân với mục tiêu đạt trên 100.000 tấn trái cây; và tổ chức lễ hội trái cây Thái Lan tại các điểm du lịch và hỗ trợ vận chuyển miễn phí trái cây trên chuyến bay với mục tiêu đạt trên 42.000 tấn trái cây.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến triển khai 450 hoạt động xúc tiến thương mại Tổng ngân sách xúc tiến trị giá 74,6 triệu trích từ ngân sách hoạt động của 03 đơn vị Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP), Cục Ngoại thương (DFT) và Cục Đàm phán Thương mại Quốc tế (DTN) – DITP được giao làm đơn vị chủ trì. Các hoạt động xúc tiến sẽ giúp tiếp cận 04 nhóm thị trường mới gồm Trung Đông, Nam Á, Trung Quốc và CLMV, bên cạnh khám phá thị trường mới nổi gồm Trung Á và Bắc Âu. Song song với đó, duy trì nhóm thị trường truyền thống gồm Hoa Kỳ, Ca-na-đa, châu Âu (EU), Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Đài Loan, ASEAN, Úc-Niu-zi-lân, châu Phi và châu Mỹ.
4. Sản lượng mía được dự báo giảm năm 2023
Sản lượng mía được dự báo giảm năm 2023 chỉ đạt 1,9% ở mức 93,8 triệu tấn do hạn hán và nông dân chuyển sang trồng sắn. Trước đó, Chính phủ Thái Lan dự báo sản lượng mía sẽ đạt trên 100 triệu tấn trong mùa vụ 2022-23. Trong tổng 93,8 triệu tấn, 63,1 triệu tấn mía tươi, chiếm tỉ trọng 67,2% tổng sản lượng mía. Phần còn lại là 30,7 triệu tấn mía đốt tương đương tỉ trọng 32,7%. Sản lượng đường hiện ở mức 117,4 kg/ tấn.
Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB) dự báo sản lượng mía đốt mùa vụ 2022-23 vẫn duy trì ở mức cao dù Chính phủ yêu cầu không sử dụng phương thức này để thu hoạch do ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nông dân lựa chọn phương thức này do cách thức dễ và không cần nhiều người lao động.