| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 1/2023: Đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vượt khó

Ngày 31/1/2023 vừa qua, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023”.

Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

(Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị)

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì, thu hút trên 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đông đảo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng ký tham dự.

Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại một số thị trường

Tại hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Canada, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname); Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay); Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao); Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây.

Thông tin về nhu cầu tại thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada (Costco,  Walmart) đã nhập khá nhiều quế có nguồn gốc từ Việt Nam (8,6 triệu USD), với mức tăng 43,3%, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới.

Hay mặt hàng dệt may, tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 5 đến 6 tỷ USD/ năm. Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn lại đời sống xã hội và các hoạt động văn hoá giải trí, du lịch, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với 2021, đạt 30,1%. Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS 61 vào Canada, sau Trung Quốc, Campuchia; đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau CPTPP khỏi tay Bangladesh. “Tuy nhiên, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao”- bà Trần Thu Quỳnh lưu ý.

Trong khi đó, với thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin: Ngày 27/1/2023, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/01/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ  20 kể từ ngày đăng công báo.

(Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phát biểu tại hội nghị)

Vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cũng được nhiều nước quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển - cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu, xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại Bắc Âu.

Tại thị trường UAE, ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) - cho hay, đây là thị trường đặc thù, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước, do đó, Việt Nam cần tranh thủ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản; nông sản (chanh không hạt, thanh long, dưa hấu, dừa tơi, quả bưởi, hạt điều, hạt tiêu); túi xách, vali, ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện vì hiện nay quy mô thị trường mặt hàng này rất lớn.

“Mặc dù UAE là thị trường mở nhưng cạnh tranh rất khốc liệt về giá và chất lượng. Giá nào cạnh tranh thì sẽ nhập, thậm chí doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu vào UAE nếu giá cao hơn thì họ sẽ ưu tiên nhập giá thấp hơn” - ông Trương Xuân Trung  lưu ý.

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội (Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắk, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Dự báo nhiều thách thức cho xuất khẩu trong 2023

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.

(Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại phát biểu tại hội nghị)

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt trên 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Sang năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng đầu tiên năm 2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,08  tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định, việc giảm về con số xuất nhập khẩu tháng 1/2023 là do trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.  

Các dự báo đưa ra, năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng… Do đó, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Như với thị trường truyền thống Hoa Kỳ, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiều khó khăn đặt ra cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này do chính sách tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định của chính quyền liên bang và bang phức tạp, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động…

Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ. Ngoài ra, cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thuỷ sản, dệt may, da giày, trong khi năng lực sản xuất ở một số ngành khó có khả năng tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thiếu phương án kinh doanh linh hoạt, dự phòng rủi ro, hiểu biết về pháp luật dẫn đến khả năng cạnh tranh bị hạn chế.

Một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các Cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cần phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược, Kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội… và Chương trình hành động của ngành Công Thương năm 2023 để có kế hoạch cụ thể, phù hợp, khả thi trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ hai, chú trọng nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại (cả trong chính trị và kinh tế, nhất là những rào cản về kỹ thuật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ… có đối sách hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng Quốc gia, dân tộc và quan trọng là quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Đồng thời, chú ý phổ biến, lan tỏa chủ trương, chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

Thứ tư, bằng mọi cách duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới (như các thị trường  Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh) để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Thứ năm, từ kinh nghiệm các nước sở tại và những phát kiến mới của mình, các cán bộ thuộc Cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục có những đề xuất đổi mới trong hoạt động và thực thi các chính sách mới, giúp Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước thời gian tới.

Thứ sáu, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường sự phối hợp với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ thực thi tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình ngay cả trong hoạt động quản lý nội dung và mang tính nghiệp vụ. Đặc biệt, Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Vụ thị trường tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ đàm phán, ký kết, thỏa thuận thương mại mới. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thể khai thác tốt hơn hơn  thế mạnh các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, kể cả những mặt hàng nguyên liệu hay những mặt hàng đã qua chế biến. Bên cạnh đó, đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương… tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Bộ để hoạt động có hiệu quả.

“Năm 2023, Bộ Công Thương đã đề ra phương châm ‘Tiếp tục đổi mới, vươn tới đỉnh cao’ về những hoạt động của mình. Nếu như năm 2022, Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả rất vang dội trong xuất nhập khẩu, thương mại điện tử… thì năm 2023 phải là một năm giữ được thành quả đó và đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất từ 6,5% trở lên theo chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 

 

Bộ Công Thương

Nội dung liên quan