Ngày 3/7/2022, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính áp đặt đối với Mali từ tháng 1/2022 sau khi chính quyền quân sự của nước này đề xuất một lộ trình chuyển tiếp dân sự trong vòng 24 tháng và công bố luật bầu cử mới.
6 tháng sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với Mali, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh này hôm 3/7/2022 tại cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Accra, Ghana. Việc mở lại biên giới trên bộ và trên không giữa các nước thành viên ECOWAS và Mali cũng đã có hiệu lực.
Trước đó, vào tháng 1/2022, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước thành viên đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mali do quốc gia này không tôn trọng lịch trình bầu cử tổng thống theo kế hoạch, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 để chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự (Mali đã trải qua các cuộc đảo chính vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021). Các biện pháp trừng phạt của ECOWAS đối với Mali bao gồm đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận giữa các nước ECOWAS và Mali, đình chỉ tất cả các giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước thành viên ECOWAS với nước này trừ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, thuốc tân dược, trang thiết bị y tế (trong đó có thuốc phòng chống COVID-19), các sản phẩm dầu mỏ và điện. Ngoài ra, ECOWAS cũng phong tỏa tài sản của Mali tại các ngân hàng trung ương và thương mại của tổ chức này, tạm ngừng mọi hoạt động hỗ trợ tài chính của các ngân hàng ECOWAS như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tây Phi (BIDC) và Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD) đối với Mali.
Việc cấm vận kinh tế này đã gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế nói chung và ngoại thương Mali nói riêng. Mali, một quốc gia không có biển nằm trong số các nước nghèo nhất châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này xuống 5% trong năm nay so với mức dự báo ban đầu là 5,5%, nguyên nhân do tác động của các biện pháp trừng phạt.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mali đạt hơn 13 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm dầu thô, xi măng, hải sản, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ thị trường này là bông các loại, hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép.
Hoàng Đức Nhuận