Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cung cấp thông tin về yêu cầu ghi nhãn và đóng gói đối với cacao khi xuất khẩu sang Bắc Âu.
Yêu cầu ghi nhãn
Việc ghi nhãn hạt ca cao xuất khẩu sang Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch phải tuân thủ các hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm chung của Liên minh châu Âu được quy định tại (EU) 1169/2011. Thông tin được cung cấp trên nhãn phải dễ hiểu, dễ nhìn, dễ đọc và phải được viết bằng ngôn ngữ mà người mua dễ hiểu. Trong hầu hết các trường hợp, điều này có nghĩa là nhãn phải được viết bằng tiếng Anh/Thụy Điển/Đan Mạch/Na Uy.
Các quy tắc ghi nhãn thực phẩm của Liên minh châu Âu đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được thông tin cần thiết cho phép họ đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua thực phẩm. Điều này liên quan đến các sản phẩm đóng gói sẵn như socola. Đối với hạt ca cao được bán với số lượng lớn, việc ghi nhãn không được hướng dẫn bởi luật cụ thể, nhưng ít nhất phải bao gồm:
• Tên sản phẩm;
• Loại hoặc đặc điểm kỹ thuật;
• Lô hoặc mã lô;
• Nước xuất xứ;
• Khối lượng tịnh tính bằng kg;
• Tên và địa chỉ kinh doanh của nhà cung cấp;
• Trường hợp chứng nhận hữu cơ, thương mại công bằng hoặc chứng nhận khác: tên/mã cơ quan kiểm tra và số chứng nhận.
Tham khảo thêm các yêu cầu chung về quy định ghi nhãn tại quy định (EU) 1169/2011.
Yêu cầu đóng gói
Hạt ca cao thường được vận chuyển trong túi đay, có thể nặng từ 60 kg đến 65 kg. Ở thị trường phổ thông, việc vận chuyển hạt ca cao với số lượng lớn đã trở nên phổ biến hơn. Điều này có nghĩa là hạt ca cao được chất trực tiếp vào khoang chứa hàng của tàu hoặc trong các công-te-nơ vận chuyển có chứa túi mềm. Phương pháp số lượng lớn này thường được áp dụng bởi các nhà chế biến ca cao lớn hơn, xử lý hạt ca cao có chất lượng tiêu chuẩn.
Trong phân khúc ca cao đặc sản, bao đay vẫn được sử dụng phổ biến. Đối với các lô siêu nhỏ chất lượng rất cao, có thể sử dụng bao bì GrainPro hút chân không.