(VEN) - Ngày 13/12/2010, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ hai Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác giữa Việt Nam - Tunisia đã được tổ chức. Ngoại giao, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, dầu khí, năng lượng, đầu tư, tài chính… là những lĩnh vực hợp tác sẽ được hai bên thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Tại kỳ họp này, đoàn phân ban Việt Nam bao gồm đại diện các Bộ, ngành hữu quan do Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang dẫn đầu. Đoàn phân ban Tunisia bao gồm đại diện các Bộ, ngành trong Chính phủ Tunisia do bà Saida Chtioui – Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại dẫn đầu.
Kỳ họp được tổ chức khi Việt Nam và Tunisia đang có những bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế, thương mại. Theo đó, điểm nhấn gần đây nhất trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp là việc ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Tunisia tháng 4/2010. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tunisia đang có chiều hướng tăng. Nếu như năm 2002, Việt Nam xuất khẩu sang Tunisia chưa đến 1 triệu USD thì 9 tháng năm 2010 đã đạt 8 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Tunisia gồm cà phê, hàng hải sản, hạt tiêu, vải, hạt điều… Tốc độ nhập khẩu từ Tunisia vào Việt Nam cũng khá ổn định với 4,23 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2010 với một số mặt hàng chủ yếu là phân bón, chất dẻo nguyên liệu, hàng hải sản, dầu mỡ động vật…
Tuy nhiên, theo đánh giá của hai bên, những con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, nhất là khi vị trí địa lý của hai nước có thể tạo điều kiện cho hàng hóa 2 bên thâm nhập vào thị trường khu vực. Do vậy, bà Saida Chtioui gợi ý rằng cần tổ chức các đoàn doanh nghiệp đa ngành sang Việt Nam và Tunisia để tìm hiểu những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước cùng quan tâm; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tham gia hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác tổ chức ở mỗi nước. Vào tháng 2/2011, Tunisia dự định tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Việt Nam… Những hoạt động này nhằm mục đích đến năm 2015 sẽ nâng trao đổi thương mại song phương lên 150 - 250 triệu USD, đồng thời, đẩy mạnh phát triển hợp tác ba bên bằng cách tận dụng vị trí chiến lược của Tunisia - cửa ngõ vào thị trường Bắc Phi và Việt Nam - đường vào thị trường ASEAN.
Do Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý hơn 60 khu công nghiệp nên trong khuôn khổ hội thảo, hai bên đã trao đổi về khả năng hợp tác và thống nhất việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý khu công nghiệp, trao đổi thông tin liên quan đến khung khổ pháp lý các khu công nghiệp này đồng thời thúc đẩy các hướng đi mới, các giải pháp hợp tác mới.
Trong hợp tác dầu khí, hai bên đã đồng thuận tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đối tác Tunisia tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, các sản phẩm khí tự nhiên.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động để triển khai có hiệu quả hơn Hiệp định hợp tác về nông nghiệp được ký từ năm 2002 đến nay; trao đổi dự án chung về "Chuyển giao công nghệ nuôi trồng những loài thủy sản mới" tại Tunisia; Tăng cường trao đổi thương mại các sản phẩm nông sản…
Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, nhằm tạo thêm thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam mong muốn nghiên cứu để mở cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại tại Tunisia. Trưởng đoàn Tunisia hoan nghênh ý tưởng này và nhấn mạnh, các nhà chức trách Tunisia sẵn sàng mang đến những hỗ trợ cần thiết để thực hiện đề xuất này.
Cũng trong chiều 13/12/2010, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang và bà Saida Chtioui đã ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác giữa hai nước. Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh: "Hai nước cần triển khai sớm những nội dung đã ký kết. Tuy nhiên, để hợp tác hai nước xứng tầm hơn nữa với tiềm năng thì không thể bó buộc trong những lĩnh vực đã ký kết mà cần mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác hơn nữa"./.Phương Lan