Thái Lan xem xét gói hỗ trợ 16,96 tỉ Bạt cho người lao động và doanh nghiệp; 2. Xuất khẩu trái cây của Thái Lan tăng mạnh; Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại về triển vọng với gạo Hom Mali; Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 8 giảm; Xuất khẩu thực phẩm dự báo tăng 7,1%... là những nội dung chính trong Bản tin Thị trường Thái Lan tháng 9/2021.
Thái Lan xem xét gói hỗ trợ 16,96 tỉ Bạt cho người lao động và doanh nghiệp
Nội các Thái Lan đã bật đèn xanh việc thông qua gói hỗ trợ 16,96 tỉ Bạt cho người lao động và doanh nghiệp tại khu vực nguy cơ cao nhất hoặc là vùng đỏ chịu ảnh hưởng từ những hạn chế mới nhất của Chính phủ nhằm kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 thứ 3.
Tổng ngân sách hỗ trợ 16,96 tỉ Bạt sẽ được phân chia thành 02 nhóm theo khu vực. Tại nhóm 13 khu vực rủi ro cao hoặc vùng đỏ, 194.000 người sử dụng lao động và 3,53 triệu người lao động sẽ được nhận gói hỗ trợ 16,1 tỉ Bạt. Trong khi đó, đối với nhóm 29 vùng đỏ, 18.900 người sử dụng lao động và hơn 400 nghìn người lao động sẽ được nhận gói hỗ trợ 862,2 triệu Bạt.
Trong một diễn biến liên quan, Nội các thông qua việc gia hạn chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, thay vì tháng 12 năm nay như dự kiến ban đầu. Mức ngân sách bổ sung dành cho chương trình cho vay nhà ở là 20 tỉ Bạt trên mức ngân sách 50 tỉ Bạt hiện tại.
Dự án nhà ở đã ghi nhận hiệu quả tích cực: tính đến thời điểm 21/07, khoảng 52.000 người thu nhập thấp đã nộp đơn xin vay tiền từ Ngân hàng GH Bank với tổng số tiền trị giá 39 tỉ Bạt. Nội các cũng đồng ý giảm lãi suất đối với các dự án nhà từ mức cố định 3% trong 05 năm xuống 1.99% trong 04 năm đối với cá nhân có mức thu nhập không vượt quá 25.000 Bạt/ tháng.
Xuất khẩu trái cây của Thái Lan tăng mạnh
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu trái cây đông lạnh và chế biến của nước này trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 131 tỷ Bạt, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu tích cực một phần là nhờ các chính sách xúc tiến thương mại do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit chỉ đạo khi yêu cầu tham tán thương mại của Thái Lan tại các nước tham gia trực tiếp vào hoạt động quảng bá sản phẩm, và hiệu quả từ các sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp trực tuyến giữa các nhà nhập khẩu quốc tế và các thương nhân Thái Lan, các hoạt động xúc tiến thương mại tại cửa hàng ở các trung tâm thương mại hàng đầu và các thị trường lớn quốc tế, cùng với các hoạt động xúc tiến bán hàng trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu như BigBasket của Ấn Độ và Tmall của Trung Quốc. Dự án những tháng vàng trái cây Thái Lan là một chương trình xúc tiến kinh doanh thành công. Trong 7 tháng qua, các sự kiện trong khuôn khổ dự án này đã được tổ chức tại 8 địa điểm của Trung Quốc – Nam Ninh, Hải Nam, Trùng Khánh, Thanh Đảo, Thượng Hải, Thành Đô, Đại Liên và Phật Sơn, mang về doanh thu tổng cộng 15 tỷ Bạt.
Ông Jurin cho biết trong những tháng còn lại trong năm 2021, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức xúc tiến thương mại tại 5 địa điểm khác - Hạ Môn, Nam Xương, Côn Minh, Vũ Hán và Nam Ninh – hy vọng mang về 5 tỷ Bạt. Nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu trái cây của Thái Lan tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan khi lễ ký kết biên bản ghi nhớ mua hàng giữa các nhà xuất khẩu Thái Lan các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Lào, Myanmar, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Indonesia đã mang lại thỏa thuận có tổng trị giá 2,39 tỷ Bạt cho nước này. Thái Lan đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi và đã qua chế biến cả năm 2021 đạt tối thiểu 180 tỷ bạt, tăng 30% so với năm 2020.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại về triển vọng với gạo Hom Mali
Ông Charoen Laothammatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, xuất khẩu vẫn giảm mạnh do thiếu lao động cũng như các vấn đề logistics và vận chuyển kéo dài sau các chính sách phong tỏa để ngăn ngừa lây lan Covid-19 của chính phủ. Cước vận chuyển tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục, đặc biệt là tuyến vận chuyển tới New York và Los Angeles, đã tăng lần lượt lên 18.500 USD/container và 15.000 USD/container, từ mức chỉ 3.000 – 4.000 USD/container trước khi bùng phát COVID-19. Giá gạo Hom Mali xuất khẩu hiện ở mức 700 USD/tấn, giảm từ mức 800 USD/tấn vào thời điểm đầu năm. Ông Charoen cho biết sản xuất gạo của Thái Lan nói chung và sản xuất gạo Hom Mali nói riêng dự báo quay trở lại mức bình thường trong năm 2021 sau khi giảm khoảng 20% trong 2 năm vừa qua do hạn hán trên diện rộng.
Sản lượng lúa Hom Mali dự báo đạt 9 triệu tấn trong năm 2021, tương đương 5 triệu tấn gạo. Một nửa sản lượng gạo Hom Mali dành cho tiêu dùng nội địa và phần còn lại dành cho xuất khẩu. Giá lúa Hom Mali thu hoạch vụ mới giảm từ 14.500 Bạt/tấn hồi tháng 01/2020 xuống còn 11.500 Bạt/tấn vào tháng 12/2020. Giá hiện ở mức chỉ 8.600 – 11.500 Bạt/tấn. Ông Charoen cho hay nếu giá gạo Hom Mali giảm, chính phủ sẽ phải tăng chi vào chương trình đảm bảo thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 8 giảm
Ông Watit Raktham, Trợ lý Giám đốc Trung tâm dự báo Kinh tế và Kinh doanh - Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cho biết theo kết quả khảo sát người tiêu dùng tháng 8/2021thì chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm ở tất cả các mặt hàng. Đây là mức thấp kỷ lục trong gần 22 năm qua kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 10 năm 1998, do lo ngại về sự lây lan của COVID-19 chính phủ Thái Lan đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ảnh hưởng đến kinh doanh và kinh tế đất nước. Đồng thời những lo ngại về tình hình chính trị và tiêm chủng khiến người tiêu dùng cảm thấy rằng nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng hy vọng nền kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi trong tương lai sau khi chính phủ thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tính đến ngày 01/09, chỉ số niềm tin kinh tế là 33,8, chỉ số triển vọng việc làm là 36,3 và chỉ số tâm lý thu nhập tương lai ở mức 36,3. Điều này cho thấy người tiêu dùng không tin tưởng vào tình hình kinh tế. Người dân kỳ vọng rằng nếu chính phủ có thêm các biện pháp nới lỏng cũng như các biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan trong năm nay.
Xuất khẩu thực phẩm dự báo tăng 7,1%
Bộ Công nghiệp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tăng 7,1% đạt giá trị 1,05 nghìn tỉ Bạt trong năm 2021. Dự trữ lương thực tại châu Phi, châu Á và Trung Dông giảm mạnh do ảnh hưởng dịch cúm Covid-19 khiến nhu cầu nhập khẩu thực phẩm tăng cao.
Trong khoảng thời gian 07 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm đạt giá trị 622.70 tỉ Bạt, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu của nhiều quốc gia tăng cao đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.