Năm 2023 là năm thành công với ngành sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng cũng là năm thành công đối với ngành sản xuất lúa gạo của Philippines, bởi lần đầu tiên sản xuất lúa nội địa của Philippines vượt mốc 20 triệu tấn, cụ thể là 20,6 triệu tấn, con số mơ ước của Philippines trong hàng thập kỷ qua, vượt qua mốc đỉnh đạt được năm 2021 là 19,96 triệu tấn.
Mặc dù được sự hỗ trợ nhiều từ Chính phủ nhưng tăng năng xuất sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2024 cũng sẽ không thể có đột biến, dự báo cũng chỉ ở quanh mức 20 triệu tấn lúa, đồng nghĩa với việc Philippines vẫn phải nhập khẩu từ khoảng 3,8 triệu đến 4 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, dù không đột biến nhưng đã có sự thay đổi về cơ cấu nhập khẩu gạo của Philippines trong giai đoạn đầu năm 2024.
Theo thống kê của Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philippines, tính từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 14 tháng 3 năm 2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines là 886.963,11 (887.000) tấn.
Trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines nêu trên, gạo nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất, là 493.962,72 (494.000) tấn, chiếm 55,7%. Tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Thái Lan với 230.559,43 (231.000) tấn, chiếm 26%, trong khi gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 (110.000) tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, Philippines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 (49.000) tấn, từ Campuchia 1.620 tấn, từ Nhật Bản 1.815,37 tấn, từ Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italy 6,6 tấn.
Ngoài ra, Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Phi-líp-pin, từ ngày 01 đến ngày 14 tháng 3 năm 2024 cũng đã cấp 424 giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan cho 358.188,5 tấn gạo nhập khẩu. Và theo quy định, lượng gạo được cấp phép kiểm dịch thông quan nên trên phải được nhập vào Philippines trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp phép.
Sự thay đổi trong cơ cấu nhập khẩu gạo là kết quả từ nỗ lực của Chính phủ Philippines trong việc đa dạng hóa nguồn cung, tránh bị phụ thuộc quá mức vào một nhà cung ứng mà họ cho rằng chính là Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện vấn đề an ninh lương thực được trú trọng do có những bất ổn địa chính trị trên toàn cầu và thay đổi trong chính sách thương mại gạo của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn như Ấn Độ.