Thương vụ Bruxelles xin cập nhật một số thông tin liên quan đến hồ sơ chất propiconazole tại EU. Theo thông tin từ Công ty bảo vệ cây trồng Syngenta tại EU, ý định xếp loại độc tố gây hại chất Propoconazole của EC có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với thương mại của các nước với EU. Chiều hướng chính sách hiện tại của EU tiềm ẩn khả năng EC sẽ hạ giới hạn tối đa tồn dư chất Propiconazole (MRL) xuống mức giới hạn tối thiểu (LOQ – Limit of quantification).
Nếu việc này tiếp tục được triển khai, các nhà xuất khẩu nông phẩm sẽ rất khó hoặc thậm chí không thể đáp ứng quy định MRL đối với PPZ và các chất diệt nấm triazole khác. Điều này sẽ gây ra các vấn đề thương mại đáng kể cho hàng hoá xuất khẩu sang EU và có khả năng hạn chế nghiêm trọng các biện pháp quản lý kháng bệnh cây trồng sẵn có đối với nông dân. Các loại nấm trên cây trồng có thể sẽ phát triển nhanh hơn làm giảm đáng kể sản lượng và thu nhập của nông dân.
Theo Syngenta, chất Propiconazole đã được đăng ký và sử dụng làm thuốc bảo vệ cây trồng trên toàn thế giới trong hơn 30 năm qua mà không có tác hại gì. Việc EU tiến hành thực hiện phân loại độc tố nguy hiểm đối với chất này có thể dẫn đến hạn chế nhập khẩu và thương mại mà không có quy trình đánh giá rủi ro cần được áp dụng theo Hiệp định SPS.
Thông tin cập nhật
-
Sau những trì hoãn trước đó, EC đã có trình tự thời gian rõ ràng hơn và khả năng cao sẽ bỏ phiếu phân loại PPZ tại ủy ban REACH vào giữa tháng 12/2017. EC đã gửi WTO Thông báo về dự định ban hành Quy định mới đối với chất Propiconazole với thời hạn để Thành viên đưa ra ý kiến là ngày 11 tháng 12 năm 2017. Đề xuất phân loại nhóm R1b đối với PPZ được ghi tại trang 5 Phụ lục của "Adaptation to Technical Progress");
-
Một số quốc gia Thành viên EU bao gồm Italy và Đức đã bày tỏ mối quan ngại tại các cuộc họp trù bị có liên quan nhưng chưa đủ để có thể tạm dừng quy trình ban hành qui định mới trong khi chờ đánh giá tác động thích đáng của Ủy ban. Cần phải có thêm nhiều nước bày tỏ quan điểm trong khuôn khổ đa phương (WTO) cũng như song phương (Việt Nam – EU);
-
Nếu việc xếp loại chất Propiconazole là độc tố gây hại được thực hiện thì việc giảm MRL đối với sản phẩm nhập khẩu vào EU rất có thể sẽ xảy ra.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Gợi ý của Syngenta :
Việt Nam có thể phản đối thông báo TBT của EC về Propiconazole bằng các lập luận sau đây:
a. Tài liệu điều chỉnh thích nghi với tiến bộ kỹ thuật (Adaptation to technical progress) bao gồm một đề xuất phân loại thuốc diệt nấm Propiconazole thuộc nhóm reprotoxic 1b. Việc phân loại như vậy dường như không phù hợp với các dữ liệu có sẵn đối với chất này.
b. EU có ý định giới hạn tất cả các MRL của EU ở mức 0,01 mg/kg đối với các chất được phân loại độc tính gây hại nhóm R1b hoặc nhóm chất gây ung thư C1b. Về mặt khái niệm, đây là mức MRLs đối với các chất gây nguy hiểm ở Châu Âu. Ý định của Ủy ban là đưa ra một rào cản thương mại đối với một số lượng lớn cây trồng đã được xử lý đang nhập khẩu vào EU từ rất nhiều nước. Điều này trái với yêu cầu của Hiệp định SPS của WTO, theo đó chỉ dựa trên các tiêu chí khách quan được đưa ra bởi các đánh giá khoa học về rủi ro.
c. Trong báo cáo Quy định Kiểm tra Sức khoẻ (Regulatory Fitness Check report) về quy định đối với các Hóa chất không thuộc phạm vi điều chỉnh của REACH (non-REACH Chemicals legislation), Ủy ban Châu Âu đã tự nhận thấy có một vấn đề không nhất quán về pháp lý do sự tương tác của các quy định về phân loại, ghi nhãn và đóng gói, các quy định về thuốc bảo vệ thực vật và các quy định về thuốc diệt cỏ. Trong trường hợp này, rõ ràng rằng sự không thống nhất về quy định dẫn tới các rào cản thương mại dựa trên phân loại nguy hại, trái với Hiệp định Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật. (Báo cáo REFIT của Uỷ ban EC, đính kèm). Những vấn đề này cần phải được điều chỉnh một cách khẩn cấp để EU có thể tuân thủ các nghĩa vụ thương mại quốc tế.
d. Hậu quả của việc đưa ra quyết định phân loại lại Propiconazole theo cách này sẽ gây ra tác động trực tiếp đối với Việt Nam liên quan đến xuất khẩu gạo và một số nông phẩm khác.
e. Việt Nam cùng với các nước xuất khẩu nông phẩm đề nghị Ủy ban châu Âu cam kết thực hiện đánh giá tác động đầy đủ trước khi đưa ra quyết định ràng buộc hợp pháp. Tác động kinh tế - xã hội có thể sẽ rất tiêu cực nếu PPZ và các triazoles khác được phân loại theo cách bảo thủ.
Thông báo TBT của EU: https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S009-DP.aspx?language=E&HasEnglishRecord=True&HasFrenchRecord=False&HasSpanishRecord=False&CatalogueIdList=239409,239399&CurrentCatalogueIdIndex=1&FullTextHash=371857150
- Báo cáo REFIT của EC: http://rpaltd.co.uk/uploads/report_files/evaluation-report.pdf
- Quy định về đánh giá rủi ro của EU: https://ec.europa.eu/info/law-making-process/planning-and-proposing-law/impact-assessments_en