Số liệu thống kê của Cục Thống kê Malaysia cho biết: trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Malaysia từ Việt Nam đạt 13,22 tỷ RM (tương đương 3,22 tỷ USD, tỷ giá tạm tính 1USD =4.2 RM) trong khi Malaysia xuất sang Việt Nam lượng hàng hóa trị giá 22,97 tỷ RM tương đương 5,47 tỷ USD. Như vậy trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Malaysia đạt 8,69 tỷ USD.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019 như sau:
- Đánh giá chung
Trong tháng 9 năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đạt 875,03 triệu USD tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng kim ngạch song phương trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 8.333,47 triệu USD giảm 3,7% so với cùng kỳ (8.654,72 triệu USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2.925,08 triệu USD giảm 5,5% (3.094,16 triệu USD) và kim ngạch nhập khẩu đạt 5.408,39 triệu USD giảm 2,7% (5.560,56 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm không có được mức tăng trưởng tốt, thậm chí sút giảm do những nguyên nhân sau:
- Về nhập khẩu: Trong năm nay, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu từ Malaysia sụt giảm mạnh do các nhà máy lọc dầu lớn trong nước như cơ sở lọc dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành ổn định tăng nguồn cung ra thị trường nên nhu cầu nhập khẩu xăng dầu có sự sụt giảm đáng kể (tới hơn 30%). Đây là mặt hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu lớn trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Malaysia nên sự sút giảm nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này có ảnh hưởng lớn đến kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên do một số mặt hàng khác có nhu cầu nhập khẩu tăng như hàng điện gia dụng và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, các sản phẩm kim loại có mức tăng trưởng khá phần nào bù đắp mức sụt giảm kim ngạch nhập khẩu xăng dầu dẫn tới kim ngạch nhập khẩu chỉ sụt giảm khoảng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.
- Về xuất khẩu: Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Malaysia, những mặt hàng chủ lực vẫn là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện chiếm phần lớn doanh số xuất khẩu và đều do khối FDI đảm nhận. Khi nhu cầu nhập khẩu của Malaysia sụt giảm, đặc biệt và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ ảnh hưởng ngay đến nhu cầu tiêu thụ và điều này ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sụt giảm 34,4%, điện thoại các loại và linh kiện giảm 28,4%, Thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh (phần lớn nằm trong chuỗi cung cấp cho sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời) giảm 25,1%...đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu xuất khẩu. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như gạo cũng có sự sụt giảm đáng kể (14,2%) do nhu cầu dự trữ của Malaysia thấp cũng như có sự cạnh tranh nguồn cung từ Thailand, Ấn độ, Cambodia…
- Hàng hóa nhập khẩu
Trong tháng 9/2019, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Malaysia đạt kim ngạch 555,05 triệu USD giảm 17,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 5.408,39 triệu USD giảm 2,7% so với cùng kỳ.
Đối với một số mặt hàng NK chủ chốt, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch NK giảm như: Xăng dầu giảm 30,39%; Dầu mỡ động thực vật giảm 1,75%; Máy móc thiết bị và phụ tùng giảm 3,0%; Tuy nhiên cũng nhiều mặt hàng NK tăng khá như: Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 34%; Máy vi tính, sp điện tử và linh kiện tăng 16,8%; Kim loại thường tăng 19,1%;.
- Hàng hóa xuất khẩu
Trong tháng 9/2019 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 319.98 triệu USD giảm nhẹ so với tháng trước đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2019 đạt 2.925,08 triệu USD giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng hợp 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh như: Điện thoại các loại giảm 28,4%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 34,4%; Thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh giảm 25,1%; Gạo giảm 14,2%. Tuy nhiên cũng có mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá như: Máy móc thiết bị và phụ tùng có mức tăng 43,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,5%; Sắt thép các loại tăng 6,4%; Thủy sản tăng 5,7%.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, máy vi tính và linh kiện là những mặt hàng có kim ngạch lớn và phần lớn do các doanh nghiệp FDI thực hiện nên khi có ảnh hưởng của cuộc chiến Mỹ-Trung, nhu cầu tiêu thụ của Malaysia giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.