8 tháng năm, xuất khẩu hồ tiêu sang Đức đạt 12.133 tấn, tương đương trị giá 63,7 triệu USD, tăng 97,5% về lượng và tăng 151,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 19.420 tấn hồ tiêu, đạt 116,7 triệu USD giảm 10,9% về lượng và 10,1% về trị giá so với tháng 7 năm 2024. Lũy kế, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 182.930 tấn với trị giá gần 878 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng 42,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 8, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường Đức 1.080 tấn, trị giá 6,4 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và 29,2% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng tới 74,2% về lượng và 2,4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này đạt 12.133 tấn, tương đương trị giá 63,7 triệu USD, tăng mạnh 97,5% về lượng và 2,5 lần (151,8%) về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, Đức đã vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sau Mỹ, với thị phần tăng từ 3,3% của cùng kỳ lên 6,6% trong 8 tháng đầu năm.
Còn theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hồ tiêu của Đức cũng đang tăng lên, tính đến hết tháng 6 năm nay đạt 12.029 tấn, trị giá 57,6 triệu EUR, tăng 25,4% về lượng và 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đức hiện đang là nhà nhập khẩu tiêu lớn nhất tại Liên minh châu Âu và Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn nhất cho nước này.
Theo đó, nhập khẩu tiêu của Đức từ Việt Nam trong 6 tháng đạt 6.652 tấn, tăng 67,7% so với cùng kỳ và chiếm hơn một nửa (55,3%) tổng lượng tiêu nhập khẩu của nước này, đồng thời mở rộng đáng kể so với thị phần 41,4% của nửa đầu năm 2023.
Giá tiêu nhập khẩu của Đức từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt bình quân 4.420 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Mức giá này cũng cao hơn so với con số 4.074 USD/tấn của Brazil, đối thủ cạnh tranh chính tại thị trường này.