Đạo luật mới của CHLB Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) được thông qua vào tháng 6/2021 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2023). Đối tượng áp dụng là toàn bộ doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ CHLB Đức có quy mô từ 3.000 lao động (áp dụng từ 1/1/2023) và từ 1.000 lao động (áp dụng từ 1/1/2024) trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức.
Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng yêu cầu các công ty lớn bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong tất cả các tầng lớp thuộc chuỗi cung ứng của họ. Các công ty phải giám sát mọi hoạt động của mình và các nhà cung cấp trực tiếp cho họ trên toàn thế giới, thuộc mọi quy mô, đồng thời phải có hành động thích hợp nếu phát hiện sai phạm. Theo luật, doanh nghiệp của Đức có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 8 triệu euro hoặc tối đa 2% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu họ không xác định, đánh giá, ngăn chặn và khắc phục các tác động đến nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình. Ngoài ra, các công ty không tuân thủ có thể bị loại khỏi đấu thầu công khai, và có nguy cơ bị cấm tham gia các hợp đồng công của Đức trong tối đa 3 năm.
Bên cạnh đó, bất cứ nhà cung cấp nào cho một công ty lớn của Đức sẽ cần báo cáo dữ liệu ESG cho khách hàng Đức của họ để tuân thủ luật pháp. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Luật LkSG liệt kê 11 quyền con người được quốc tế công nhận mà các công ty không được vi phạm. Nó bao gồm các lệnh cấm lao động trẻ em, nô lệ, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, việc làm phi đạo đức, điều kiện làm việc không an toàn, hoạt động suy thoái môi trường. Các công ty phải soạn báo cáo hàng năm phác thảo những bước họ đã thực hiện để xác định và giải quyết những rủi ro nói trên.
Luật LkSG thể hiện bước chuyển quan trọng khỏi trách nhiệm xã hội hoàn toàn tự nguyện của doanh nghiệp. Theo các nghiên cứu của Ủy ban châu Âu và Chính phủ Đức, nhiều công ty không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở tự nguyện. Chưa đến 1/5 các công ty Đức giám sát các công ty con và nhà thầu nước ngoài của họ về vi phạm nhân quyền.
Các quy tắc trong luật sẽ được giám sát bởi một chi nhánh mới của Văn phòng Kinh tế và kiểm soát xuất khẩu Liên bang (BAFA), cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán thông qua các báo cáo bắt buộc do doanh nghiệp đệ trình và “kiểm tra dựa trên rủi ro”.
Theo Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp bởi Luật LkSG, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức. Do đó, các doanh nghiệp phải chú trọng đến những tiêu chuẩn, quy định trong luật này.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Đức bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm hơn.
Ông Guido Hildner, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam cho hay: “Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng tạo ra cho Việt Nam cơ hội về lợi thế địa điểm trên thị trường thế giới. Như thế những đạo luật mạnh mẽ về môi trường và lao động và việc thực thi hiệu quả hơn nữa có thể trở thành một lợi thế địa điểm của Việt Nam, chứ không còn chỉ là chi phí sản xuất thuận lợi nữa. Điều đó cũng cải thiện tình trạng của người lao động và môi trường ở Việt Nam”.
Một trong những nội dung quan trọng của LkSG mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ đó là thiết lập quản lý rủi ro trong tất cả các quy trình kinh doanh có liên quan và tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình.
Trong đó bao gồm những quy định về bổ nhiệm người chịu trách nhiệm giám sát quản lý rủi ro; thực hiện phân tích rủi ro thường xuyên; thiết lập các biện pháp phòng ngừa; ban hành một tuyên bố chính sách về chiến lược nhân quyền của mình; thực hiện hành động khắc phục hậu quả; thiết lập thủ tục khiếu nại; lập tài liệu và báo cáo về việc tuân thủ trách nhiệm thẩm định.