| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Giải pháp tăng cường xuất khẩu cà phê Việt Nam sang các nước ASEAN

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 12 năm 2024, lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 182,36 nghìn tấn, thu về 859,24 triệu USD, tăng 22,83% về lượng và 68,87% về giá trị. Philippines đứng đầu về thị phần cà phê Việt Nam trong các nước ASEAN, năm 2024 nhập khẩu 55,56 nghìn tấn, tương ứng 288,48 triệu USD, chiếm 33,57% thị phần.

Tính đến hết tháng 1 năm 2025, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 9,21 nghìn tấn, thu về 62,66 triệu USD, giảm 66,71% về lượng và giảm 33,52% về giá trị. Nguyên nhân sụt giảm do giá cà phê quốc tế tăng cao do nguồn cung toàn cầu hạn chế, khiến các nước ASEAN chuyển sang nguồn cung giá rẻ hơn như Brazil, Colombia hoặc nội địa hóa nguồn cung. Cùng với đó, vụ mùa cà phê 2024-2025 của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm hạn hán và biến đổi khí hậu, làm giảm sản lượng cà phê thu hoạch.

Trong các nước ASEAN, Philipines là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất, với 3,19 nghìn tấn, thu về 24,25 triệu USD, giảm 46,08 về lượng nhưng tăng 13,34% về giá trị. Malaysia đứng thứ hai, với 3,46 nghìn tấn, thu về 18,66 triệu USD, tăng 11,96% về lượng và 71,84% về giá trị. Thái Lan đứng thứ 3 về kim ngạch, với 1,25 nghìn tấn, thu về 10,69 triệu USD, giảm 69,28% về lượng và 17,49% về giá trị. Nguyên nhân giảm tại thị trường Thái Lan là do nước này đẩy mạnh sản xuất cà phê nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Việt Nam.

Để tăng cường xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước ASEAN trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể xem xét và triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, qua việc áp dụng các biện pháp sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, tập trung xử lý chất thải trong sản xuất (đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, để bảo vệ môi trường, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế).

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đầu tư vào sản xuất cà phê hòa tan, cà phê rang xay và các các sản phẩm giá trị gia tăng khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong khu vực. Về thị trường, ngoài các thị trường truyền thống như Indonesia, Thái Lan và Philippines, cần tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia ASEAN khác như Malaysia, Singapore và Myanmar.

Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, thông qua các hội chợ và triển lãm quốc tế trong khu vực, tìm hiểu thị yếu người dùng, giới thiệu sản phẩm tiềm năng và mở rộng giao thương với đối tác.

Cuối cùng, là tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại hàng hóa  ASEAN (ATIGA), để giảm chi phí, và tăng khả năng cạnh tranh cà phê Việt Nam trong khu vực, cùng với khai thác lợi ích từ các FTA giữa ASEAN và các đối tác ngoài khu vực để mở rộng thị trường xuất khẩu.

VietnamExport (tổng hợp)

Nội dung liên quan