Sầu riêng bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, trong khi doanh nghiệp chưa vội chốt hợp đồng thì một số nhà vườn lựa chọn cắt bán theo đợt thay vì ký hợp đồng cả vụ.
Sầu riêng vào vụ, nhà vườn "nghe ngóng" giá
Kể từ đầu tháng 6 tới nay, tại các vùng trồng sầu riêng lớn ở Gia Lai như: Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh… bắt đầu vào vụ. Hiện, các vựa đóng hàng xuất khẩu tại Gia Lai thông báo giá sầu riêng Monthong (Dona) loại 1 dao động khoảng 82.000 - 84.000 đồng/kg, loại 2 giá 64.000 - 72.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 loại 1 giá trên dưới 60.000 đồng/kg, loại 2 giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Mặc dù, mức giá bán xô được các thương lái đưa ra là khá cao, tuy nhiên, nhiều nhà vườn lớn vẫn đang tiếp tục nghe ngóng bởi quyết định ký kết hợp đồng bao tiêu với thương lái mang ý nghĩa quan trọng, quyết định thành bại của cả một mùa vụ, đặc biệt trong bối cảnh giá sầu riêng có thể tăng, giảm bất thường cả chục giá sau 1 đêm.
Đáng chú ý, năm nay, nhiều thông tin cho thấy sầu riêng tại Thái Lan mất mùa, người dân kỳ vọng giá có thể tăng mạnh, vì vậy ký hợp đồng với thương lái lại càng được cân nhắc kỹ. Trong bối cảnh biến động giá liên tục, không ít nhà vườn lớn đang lựa chọn cắt bán theo đợt thay vì ký hợp đồng cả vụ với thương lái.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh), có 2 hình thức ký hợp đồng được áp dụng phổ biến trong những năm qua là “2 kẹp 1” (2 quả đẹp kẹp với 1 quả xấu), hoặc “2 kẹp 2” (2 quả đẹp kẹp với 2 quả xấu). Hàng đẹp thường có giá chênh với hàng xấu rất lớn, nên các chủ vườn cần tính toán kỹ lưỡng để có được mức giá cao nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai – cho hay, hiện công ty ông sở hữu vườn sầu riêng rộng 1.200 ha tại Lào. Đây là năm đầu tiên cho trái, trong đó những cây Monthong 5 năm tuổi đạt sản lượng bình quân 20 - 30 quả, nặng 2 - 4 kg mỗi trái. Năm nay, khu vườn sầu riêng này có khoảng 200 - 300 ha sẽ cho thu hoạch. Tháng 8 là thời điểm Monthong mới có thể cắt bán. Trái còn non nhưng từ tháng 5 đã được các doanh nghiệp Trung Quốc lùng mua và sẵn sàng đặt cọc giá cao. Công ty chưa vội bán vì chờ tới vụ thu hoạch để có giá tốt hơn.
Còn tại các vườn sầu riêng của Công ty tại Gia Lai, hàng ngày liên tục đón các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua loại trái cây tỷ USD này. Ông Đoàn Nguyên Đức từng cho hay, công ty sẽ bán sầu riêng trực tiếp cho đối tác Trung Quốc, không thông qua các khâu trung gian. Năm nay, chỉ tính riêng hai vườn trồng ở Gia Lai, sản lượng sầu riêng của công ty đã lên tới 800 tấn. Song, doanh nghiệp chưa chốt giá bán với đối tác mua hàng.
Thêm đối thủ nhưng không lo ngại cạnh tranh
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, dự kiến cả năm 2024 có thể đạt 7 tỷ USD.
Từ khi sầu riêng được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm 2022, đóng góp của mặt hàng này vào nhóm ngành rau quả ngày càng lớn. Giá trị xuất khẩu rau quả tập trung vào những tháng thu hoạch sầu riêng, tức từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Những tháng còn lại chủ yếu là sầu riêng nghịch vụ nên sản lượng không nhiều.
Năm nay, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ nhiều sắc màu bởi Malaysia chính thức được xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Mặt khác, theo truyền thông quốc tế cho biết, Trung Quốc đã đưa sản phẩm sầu riêng trồng tại Hải Nam ra thị trường vào tháng 6 này. Tuy nhiên, vì sản lượng ít, giá thành sản phẩm tương đối cao, lên tới 22 USD/kg (khoảng 560.000 đồng).
Thông tin từ tờ China News Service nói rằng cách đây 4 năm, Trung Quốc trồng sầu riêng tại một số khu vực thuộc đảo Hải Nam. Đến nay, sầu riêng sinh trưởng tốt, cho quả đạt kích thước tương đương quả bóng chuyền. Và trong năm 2024, khoảng 500 cây đã bắt đầu ra quả.
Nhiều ý kiến lo ngại cuộc đua cạnh tranh thị phần xuất khẩu loại quả này của Việt Nam ngày càng quyết liệt. Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, việc trồng sầu riêng của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường này. Nguyên nhân do, sản lượng sầu riêng Trung Quốc hiện vẫn ít, không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước này. Mặt khác, các địa điểm trồng sầu riêng Trung Quốc không có khí hậu thuận lợi, chi phí sản xuất cao khiến giá thành tới tay người tiêu dùng tăng cao, thậm chí có thể cao gấp đôi, gấp ba hàng nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á.
Không chỉ có giá cao hơn sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á, nhiều ý kiến cũng nhận định sầu riêng Hải Nam có chất lượng kém hơn, khi mùi không thơm bằng và phần thịt quả không có kết cầu mềm mịn như kem.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng ngành sầu riêng sẽ cạnh tranh hơn sau khi Malaysia đàm phán thành công xuất khẩu quả tươi vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông tin rằng nhu cầu thưởng thức loại quả này vẫn rất lớn không chỉ từ Trung Quốc mà còn các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo số liệu từ Global Trade Atlas, Trung Quốc hiện nhập khẩu sầu riêng tươi từ 3 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng nhiều nhất từ Thái Lan, tổng cộng 121.398 tấn với tổng trị giá 717 triệu USD. Con số này chiếm 65,6% thị phần. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai với 79.186 tấn, trị giá 369 triệu USD, chiếm 33,8% thị phần. Philippines đứng thứ ba, cung cấp 1.778 tấn, trị giá 5,8 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận, đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, dung lượng thị trường đối với loại quả này vẫn còn rất nhiều. Việc có thêm đối thủ mới như Malaysia sẽ giúp lựa chọn tiêu dùng tại nước này trở nên đa dạng hơn.
Mặt khác, Malaysia khi xuất khẩu trái sầu riêng vào Trung Quốc sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp. Bởi nước này vốn có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao, tiêu biểu là sầu riêng Musang King. Trong khi đó trái sầu riêng Việt khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thường ở phân khúc bình dân.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, ở thời điểm hiện tại trái sầu riêng Việt vẫn có nhiều lợi thế về thời vụ thu hoạch quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Trong khi sầu riêng của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm.
Chưa kể, chi phí vận chuyển từ vùng trồng nước ta sang Trung Quốc cũng gần nhất, chỉ mất khoảng 1,5 ngày. Vấn đề logistics có nhiều lợi thế, từ đó giá sầu riêng bán tại Trung Quốc cũng cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện các nước đang tập trung vào kiểm soát chất lượng, và bảo vệ thương hiệu. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam cần chú ý để tăng sức cạnh tranh tại thị trường tỉ dân này.