Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), hai năm trở lại đây mỗi năm Đài Loan nhập khẩu về khoảng 2.000 tấn dừa các loại. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chính là dừa đã bỏ vỏ (HS: 080112; Coconuts, shelled ).
Cũng theo thống kê của BOFT, Thái Lan và Việt Nam là hai đối tác cung ứng chính mặt hàng dừa đã bỏ vỏ cho thị trường Đài Loan. Trong đó, Thái Lan là đối tác cung ứng lớn nhất chiếm 56,77% thị phần về lượng, 60,9% thị phần về giá trị, trong khi Việt Nam chiếm 43,23% thị phần về lượng và chỉ 39,09% thị phần về giá trị.
Theo thống kê này, xuất khẩu dừa của Việt Nam sang Đài Loan trong năm 2021 đã tăng mạnh (tăng 219,08% về trọng lượng và tăng 263,43% về giá trị) cải thiện đáng kể thị phần của Việt Nam tại Đài Loan song vẫn đứng thứ 2 sau Thái Lan.
Cũng theo thống kê của BOFT, đối với mặt hàng dừa đã bỏ nước (HS: 080111; Desiccated), các đối tác gồm Indonesia và Philiipines, Srilanka là đối tác xuất khẩu chính vào thị trường Đài Loan trong khi Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trên Ấn Độ và Trung Quốc. Riêng mặt hàng dừa khác (HS: 080119; Other) hiện Đài Loan chỉ nhập từ Srilanka song số lượng tương đối nhỏ và đã không ghi nhận có nhập khẩu từ năm 2021 đến nay.
Về chính sách quản lý nhập khẩu
- Về quy định chung: Mặt hàng dừa là một trong những trái cây hiện được Đài Loan áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu sau khi gia nhập WTO. Nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu dừa phải xin phép với Cơ quan quản lý Nông nghiệp (COA) Đài Loan và được cơ quan này phê chuẩn. Hàng năm, theo quy định COA tiến hành đấu giá quyền nhập khẩu các mặt hàng được quản lý theo chính sách nhập khẩu bằng hạn ngạch, trong đó có mặt hàng dừa và năm tùy theo tình hình nhập khẩu, COA sẽ tiến hành từ 01-04 lần (phiên) đấu giá quyền nhập khẩu.
- Về lượng hạn ngạch hàng năm: Theo cam kết gia nhập WTO, lượng hạn ngạch Đài Loan cho phép hàng năm nhập khẩu là 10.000 tấn dừa có vỏ (tương đương 22% thị phần của Đài Loan).
- Về thuế quan: Dừa là mặt hàng Đài Loan áp thuế nhập khẩu cao, trong đó thuế trong hạn ngạch đối với các đối tác là thành viên của WTO như Việt Nam hiện là 15% hoặc 0,9TWD/kg (áp theo mức cao hơn) và Thuế MFN ngoài hạn ngạch là 120%.
- Về các biện pháp phi thuế quan: Về quy định kiểm dịch, trái dừa tươi Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan cần phải làm thủ tục kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (mã F02[1]) và phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật (mã B01[2]). Riêng mặt hàng dừa đã bỏ vỏ bị cấm nhập khẩu từ Trung Quốc ( mã MWO[3]).
[1] Importation of foods shall follow the"Regulations for Inspection of imported Foods and Related Products".The importer shall apply for inspection to the Food and Drug Administration,Ministry of Health and Welfare(FDA).
[2] Importation shall be subject to the prescription set forth in the Table of Commodities Subject to Legal Animal & Plant Quarantine compiled by the Bureau of Animal and Plant Health Inspection and Quarantine Council of Agriculture, Executive Yuan.
[3] Importation of Mainland China products is prohibited.