| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình sản xuất và kinh doanh thuốc lá của Tunisia

Sản xuất thuốc lá tại Tunisia đã có hơn 100 năm lịch sử. Thật vậy, từ năm 1891, Tunisia đã sản xuất những sản phẩm từ thuốc lá như thuốc lá điếu, thuốc lá hít, xì gà và thuốc dùng để hút tẩu. Dân số Tunisia không đông, khoảng 11,9 triệu người trong đó có khoảng 1.800.000 người độ tuổi từ 10 đến 70 hút thuốc lá. Nam giới chiếm 56,5% số người hút thuốc. 1 người Tunisia chi tiêu trung bình 3,5% ngân sách hàng năm cho thuốc lá, hơn cả dành cho giáo dục, vệ sinh, văn hóa và đi nghỉ. Số người hút thuốc tại Tunisia khá lớn, nhất là trong giới trẻ. Họ xoay xở để mua được thuốc thậm chí từ những người bán hàng dong. Có thể tìm thấy những thương hiệu thuốc lá nổi tiếng nhưng là hàng giả tại các phố đông người qua lại, có giá bán phù hợp với túi tiền người mua. Một số người bán trái cây khô cũng lén lút bán thuốc lá lậu do việc bán công khai bị pháp luật nghiêm cấm. Các loại thuốc lá này quá cảnh qua Libya hay Algeria trước khi thâm nhập vào thị trường Tunisia. Đối với nhiều người dân địa phương, thuốc lá Tunisia không thể so sánh với thuốc lá nước ngoài dù là hàng giả.

Theo kết quả 01 cuộc điều tra, lĩnh vực thuốc lá tạo ra 44.000 việc làm, thu nhập từ việc bán thuốc lá và các sản phẩm phái sinh đóng góp trên 6,5% ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chi phí tài chính và con người do tình trạng hút thuốc lá vượt quá những lợi ích mà nó mang lại, ngoài vấn đề sức khỏe, xã hội, phải kể đến sự mất cân bằng cán cân kinh tế do nhập khẩu thuốc nhãn hiệu nước ngoài và tồn tại thị trường chợ đen.

Tunisia được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn của khách tham quan quốc tế. Tuy nhiên, thuốc lá địa phương vẫn thống trị thị trường, chiếm tới 70% doanh thu, một điều hiếm thấy trong thị trường thuốc lá thế giới. Năm 2020, sản xuất thuốc lá đã tăng lên 10 586 tấn không kể nhập khẩu cũng đạt con số 16 688 tấn với tổng giá trị 465,626 triệu đina Tunisia (1 USD =2,72 dinar Tunisia).

Danh mục giá bán sản phẩm độc quyền về thuốc lá cho người dân do Bộ Tài chính nước này ấn định sau đó được đăng trên công báo.

Công ty quốc gia về thuốc lá và diêm Tunisia (Rnta)

Mặc dù Công ty quốc gia về thuốc lá và diêm Tunisia (Rnta) cung cấp đủ lượng thuốc lá với nhiều nhãn hiệu khác nhau song nhiều người dân vẫn thích mua thuốc lá lậu đến từ nơi khác, điều này gây thiệt hại cho Rnta. Tổng công ty thuốc lá và diêm quốc gia  (Rnta) là tác nhân chính và hàng đầu trong lĩnh vực thuốc lá tại Tunisia. Rnta là doanh nghiệp được thành lập vào năm 1891. Từ khi ra đời, công ty đã không ngừng thúc đẩy việc trồng cây thuốc lá, hiện đại hóa máy móc sản xuất cũng như trang thiết bị kiểm soát chất lượng.

Rnta giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, có thời điểm đóng góp tới 9% vào ngân sách Nhà nước, tạo thu nhập cho gần 30.000 người. Đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Tài chính, công ty có số vốn 3,5 triệu đina, trải dài trên diện tích 12ha. Công ty có 2 nhà máy, 5 xưởng thuốc lá điếu, 1 xưởng xì gà và 1 xưởng thuốc lá bột (Neffa), 12 trung tâm trồng cây thuốc lá và 15.818 nhà bán lẻ. Doanh thu thực hiện năm 2016 đạt 289.707 triệu đina ngoài thuế.

Chưa đáp ứng được mức cầu

Theo báo cáo hoạt động năm 2019, mặc dù tỷ lệ thực hiện đạt 95,84% với việc đẩy nhanh nhịp độ sản xuất và tạo ra những dây chuyền mới song sản xuất thuốc lá của Rnta không đạt được ngưỡng yêu cầu. Với dòng thuốc lá mềm (Cristal), sản lượng chỉ đạt 67.915.000 bao trong khi mục tiêu đề ra là 70.000.000 bao. Với thuốc lá cứng (VMG), mục tiêu là sản xuất 305.000.000 bao nhưng chỉ đạt 291.470.560 bao. Tổng sản lượng thuốc lá sản xuất năm 2019 đạt 359.385.560 bao, tăng 22,12% so với năm 2018. Ngoài thuốc lá điếu, công ty còn sản xuất thuốc lá bột mang tên la Neffa (hay gọi là thuốc lá hít) được sử dụng nhiều trong quá khứ, còn ngày nay một số người già, thậm chí thanh niên vẫn dùng. Năm 2018, việc sản xuất loại thuốc này đạt 16.411.200 túi nhỏ, trong đó 144.000 túi được xuất khẩu sang thị trường Pháp.

Năm 2019 cũng ghi nhận việc tăng nhanh sản xuất các loại xì gà (+225,85%) so với năm trước đó. Sản xuất thuốc lá đầu lọc điếu nhỏ cũng tăng mạnh (+77.03) chưa kể thuốc lá sợi «scaferlati».

Những sản phẩm phái sinh từ thuốc lá mang lại chỗ dựa cho Rnta, nhưng không phải mọi người tiêu dùng đều biết đến những mặt hàng này. Họ chủ yếu tập trung vào các loại thuốc lá điếu với thương hiệu khác nhau. Một số chuyên gia kinh tế đề xuất Nhà nước không nên tham gia vào sản xuất thuốc lá nữa vì lĩnh vực cạnh tranh này cần phải do khu vực kinh tế tư nhân nắm giữ. Song ý kiến này đã bị công đoàn trung ương Tunisia phản đối khi nhấn mạnh Rnta là tài sản quốc gia bằng mọi cách phải bảo vệ để công ty tiếp tục hoạt động, tạo công ăn việc làm và đem lại lợi nhuận.

Thu mua thuốc lá của Rnata

Là doanh nghiệp nhà nước, việc thu mua thuốc lá của Rnta phải tuân thủ quy định về đấu thầu công. Bên cạnh văn bản đặc thù về mua thuốc lá thô, hoạt động thu mua còn chịu chi phối bởi các nghị định về đấu thầu công, về thủ tục đặc biệt mua thuốc lá thô nhập khẩu để sản xuất thuốc lá điếu…

Những sản phẩm nhập khẩu (mua từ nước ngoài)

- Nguyên liệu thuốc lá: Chủ yếu là thuốc lá thô như thuốc Virginie và thuốc lá Burley có xuất xứ từ châu Mỹ Latinh (Braxin/Achentina), châu Á, châu Âu và châu Phi; Thuốc lá phương đông có nguồn gốc từ châu Âu; Thuốc lá đến từ Java (Indonésia), Bahia (Braxin), Manilla (Philippines); Thuốc lá đen của Italia, Colombia; Thuốc lá làm xì gà; Thuốc dùng để hút tẩu…

         - Vật tư sản xuất: Giấy làm thuốc lá, phim (màng) polypropylène, hồ dán để làm bao thuốc, thành phần và hương liệu cho thuốc lá (chủ yếu từ châu Âu).

- Thành phẩm nhập khẩu: Thuốc lá nước ngoài, diêm, thẻ chơi bài;

Trang thiết bị như  máy sản xuất, đóng gói thuốc lá điếu và linh kiện thay thế; Trang thiết bị và dụng cụ cho phòng thí nghiệm (chủ yếu có nguồn gốc từ châu Âu)

Những sản phẩm mua tại địa phương: Giấy và bìa carton, hồ dán, lọc thuốc lá, thiết bị tin học, thiết bị vận tải, …

Mở cửa cạnh tranh cho ngành thuốc lá: Các siêu thị được phép bán thuốc lá

Tháng 4/2021, dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính, Tổng công ty thuốc lá và diêm Tunisia (Rnta) đã ký một thỏa thuận với Hiệp hội các siêu thị quốc gia về việc cho phép bán thuốc lá tại các siêu thị. Trước đây việc bán thuốc lá chỉ được tập trung tại 14.000 điểm bán được đăng ký. Đây là một bước tiến trong việc tổ chức các ngành thương mại mũi nhọn phục vụ nền tài chính công, giúp tăng nguồn thu thuế đồng thời giải quyết dần tình trạng bán thuốc lá lậu (hiện chiếm từ 20-50%).

Việc này giúp cho một lượng lớn người tiêu dùng được mua đúng giá các sản phẩm thuốc lá (trong đó có thuốc lá điếu) và giải quyết tình trạng thiếu thuốc lá do vấn đề phân phối.

Tăng thu thuế

Mặt khác, tỷ trọng của ngành thương mại thuốc lá không chính thức sẽ giảm bởi thuốc lá ngày nay được bán lậu qua các ki-ốt trái cây khô, vì vậy, Nhà nước  mỗi năm bị thất thu một khoản thuế quan trọng. Với việc các siêu thị được phép bán thuốc lá, năm 2021, chính quyền dự kiến sẽ thu  thêm 397 triệu đina Tunisia tiền thuế so với năm 2020 (năm ngoái, thu hơn 1200 triệu đina Tunisia). Thuốc lá là mặt hàng tiêu dùng mang lại nguồn thu thuế số 1 tại quốc gia Bắc Phi này.

Quyết định mang lại lợi ích cho Rnta

Quyết định này cũng mang lại cơ hội cho Tổng công ty thuốc lá và diêm Tunisia (Rnta) nâng cao thu nhập. Mặc dù công ty này giữ độc quyền về sản xuất thuốc lá tại Tunisia song có thời điểm làm ăn thua lỗ. Năm 2018, kết quả kinh doanh bị thâm hụt 34 triệu đina Tunisia. Nợ của công ty lên tới 271,9 triệu TND.

Một phần các vấn đề của Rnta đến từ khâu phân phối. Nếu công ty tìm được các kênh có tổ chức hơn và được ưu tiên tiếp cận khách hàng như các siêu thị thì điều này sẽ cho phép Rnta tăng sản xuất và lợi nhuận, khuyến khích công ty đầu tư vào các dây chuyền mới và hạn chế nhập thuốc lá, nhất là khi thuốc lá nhập khẩu thường bán lỗ.

Các biện pháp chống hút thuốc lá tại Tunisia

         Luật đầu tiên của Tunisia liên quan đến phòng ngừa những tác hại của việc hút thuốc lá có từ năm 1988. Luật này cấm quảng cáo trực tiếp thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá, buộc phải ghi trên bao thuốc dòng chữ «Thông báo quan trọng: Hút thuốc gây hại đến sức khỏe», thành phần, hàm lượng nicotin và hắc ín. Luật cũng cấm hút thuốc nơi công cộng và mọi vi phạm các quy định này đều bị xử phạt. Năm 2010, Tunisia phê chuẩn Công ước khung của WHO về đấu tranh chống thuốc lá. Tunisia còn cấm bán thuốc lá và sản phẩm thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi và thường xuyên kiểm tra các điểm bán thuốc lá.

                                                                                              Hoàng Đức Nhuận

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria

Nội dung liên quan