Ngày 9 tháng 4 năm 2025, Cơ quan Dịch vụ biên giới Ca-na-đa (CBSA) ban hành Bản tuyên bố dữ kiện trọng yếu (Statement of Essential Facts – SEF) trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ-mi-rơ-moóc nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, nội dung chính của SEF như sau:
1. Bối cảnh điều tra
Ngày 19/01/2022, CBSA ban hành Kết luận cuối cùng, theo đó xác định Trung Quốc có hành vi bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm sơ-mi-rơ-moóc.
Ngày 18/02/2022, Tòa án Thương mại quốc tế Ca-na-đa (CITT) kết luận việc nhập khẩu sơ-mi-rơ-moóc từ Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước và quyết định áp thuế đối với mặt hàng này.
Ngày 25/11/2024, căn cứ cáo buộc của công ty Max-Atlas International Inc. về việc mặt hàng sơ-mi-rơ-moóc nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Trung Quốc, CBSA đã khởi xướng vụ việc điều tra xác minh. Theo đó, sản phẩm bị điều tra được phân loại chủ yếu theo mã HS: 8716.39 và có thể được phân loại theo mã HS: 8706.00, 8716.40, 8716.80 và 8716.90. Mức thuế hiện hành áp dụng với sản phẩm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc là 126,4% (thuế CBPG) và 12.370 Nhân dân tệ/đơn vị (thuế CTC).
2. Đánh giá sơ bộ của CBSA
Sau khi điều tra ban đầu, CBSA đưa ra một số kết luận sơ bộ như sau:
- Có sự thay đổi rõ rệt trong quy mô thương mại: Theo đó, xuyên suốt giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2024, tổng lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc liên tục giảm mạnh, từ 49% xuồng còn 1%. Trong khi đó, tổng lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến, từ 0% trong các năm 2021, 2022 lên tới 34% năm 2023.
- Tỷ lệ các bộ phận hoặc linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc, trên tổng chi phí sản xuất sơ-mi-rơ -moóc của Việt Nam là không đáng kể.
- Sau khi kiểm tra chi phí của các quy trình sản xuất tại Việt Nam, bao gồm chi phí lao động, chi phí quản lý và chi phí nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất, đồng thời tiến hành so sánh với tổng chi phí sản xuất hàng hóa, CBSA nhận thấy chi phí quy trình này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí sản xuất. Ngoài ra, CBSA còn thấy có bằng chứng về mức độ đầu tư lớn dành cho cơ sở hạ tầng, máy móc, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Do vậy, CBSA cho rằng quy trình sản xuất sơ-mi-rơ-moóc tại Việt Nam không đơn thuần là tạo ra sự thay đổi nhỏ và không đáng kể so với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
- Trên cơ sở phân tích trên, trong khuôn khổ đánh giá sơ bộ, CBSA cho rằng tuy có sự thay đổi trong quy mô thương mại của Trung Quốc và Việt Nam, nhưng không có hoạt động lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng sơ-mi-rơ-moóc nhập khẩu từ Việt Nam.
3. Hoạt động tiếp theo
- Các Bên có thể gửi bình luận về SEF và phản hồi đối với các bình luận về SEF. Thời hạn gửi bình luận là trước 12 giờ trưa (giờ miền Đông Ca-na-đa) ngày 16 tháng 4 năm 2024. Thời hạn nộp phản hồi đối với bình luận về SEF là trước 12 giờ trưa, ngày 23 tháng 4 năm 2025.
- Dự kiến, vụ việc điều tra sẽ kết thúc vào 23 tháng 5 năm 2025.
File tài liệu SEF, doanh nghiệp/độc giả xem chi tiết tại file đính kèm.
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Email: kiennh@moit.gov.vn, ngocny@moit.gov.vn (Chuyên viên phụ trách: Nguyễn Hoàng Kiên. Di động: 094.261.3889).