| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ngành gỗ đối mặt nhiều biến số tại các thị trường trọng điểm

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực song vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro về phòng vệ thương mại cũng như các chính sách kiểm soát nguồn gốc gỗ tại các thị trường trọng điểm.

Rủi ro phòng vệ thương mại gia tăng với các DN xuất khẩu gỗ. 	Ảnh minh họa: N.H

Rủi ro phòng vệ thương mại gia tăng với các DN xuất khẩu gỗ. Ảnh minh họa: N.H

Hồi phục đi kèm thách thức

Tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 3/2024 tổ chức cuối tuần qua, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, các Hiệp hội, DN chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Theo đó, giá trị xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành gỗ xuất siêu ước đạt 7,857 tỷ USD.

Ông Đỗ Xuân Lập Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có nghĩa các DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, từ đầu năm đến nay, các DN ngành gỗ đối diện với nhiều thách thức từ những thay đổi trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Điển hình là việc ngành gỗ đã trải qua 5 vụ kiện phòng vệ thuơng mại từ các thị trường Hàn Quốc, Canada, Mỹ. Trong đó, riêng thị trường Mỹ là 3 vụ.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới đang bất ổn ở nhiều khu vực, cước phí vận chuyển, logistics tăng cao không ổn định cũng làm cho đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm. Nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn đang xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng mới đã tác động không nhỏ đối với tình hình đơn hàng của ngành gỗ Việt Nam. Ví dụ, thị trường Canada đang kêu gọi các DN hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đáng tin cậy. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu mặt hàng nội thất. Canada cũng tăng cường nhập khẩu từ Philippines, Malaysia và Indonesia (dự kiến sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với Canada vào cuối năm 2024).

Ứng phó rủi ro phòng vệ thương mại, nguồn gốc gỗ

Dự báo tình hình những tháng cuối năm, ông Lực cho biết, mặc dù Hoa Kỳ đã kết thúc vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ và bàn trang điểm của Việt Nam, nhưng trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tăng cường kiểm soát, hậu kiểm đối với mặt hàng này, tiếp tục hỗ trợ DN trong nước bằng cách gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Tại thị trường Hàn Quốc, nền kinh tế tiếp tục trì trệ sẽ ảnh hưởng mạnh tới giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn đối với 2 sản phẩm gỗ dán và viên nén của Việt Nam, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu viên nén gỗ sang thị trường này giảm xuống 98 USD/tấn - mức thấp nhất trong vài năm gần đây. Hàn Quốc đã thực hiện rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và ngày 27/5/2024, đưa ra kết luận điều tra và quyết định tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các công ty sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam trong 5 năm tiếp theo, ở mức từ 9,78% tới 32,28%.

Trước rủi ro gia tăng về phòng vệ thương mại, ông Lập đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các DN ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Đồng thời phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tiếp đoàn thẩm tra tại DN, đặc biệt trong bối cảnh DOC mở rộng thẩm quyền cũng như bổ sung các quy định về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Theo ông Lập, cần có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt Nam và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.

Ông Lập cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Sở Kế hoạch và Đầu tư có chính sách cụ thể với không khuyến khích các DN FDI đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm của ngành gỗ mà nước đó đã bị nước thứ 3 áp thuế chống bán phá giá. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giới thiệu các chính sách về quản lý nguồn gốc gỗ và quảng bá các chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam.

Đối với thị trường châu Âu (EU), quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cho nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi. Theo ông Lực, các DN tại Bình Định - thủ phủ của các DN làm đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu sang EU đang gặp nhiều vướng mắc khi các nhà nhập khẩu EU liên tục yêu cầu các DN cam kết tuân thủ EUDR. Tương tự, các DN xuất khẩu gỗ dán, viên nén, dao thìa dĩa, khi xuất khẩu vào thị trường EU cũng được các nhà nhập khẩu hỏi về việc có tuân thủ được EUDR không và yêu cầu các DN Việt Nam cam kết tuân thủ quy định này.

Do đó, ông Lực nhấn mạnh việc tiếp tục ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số DN xuất khẩu; nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa DN chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Báo Hải Quan

Nội dung liên quan