| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình xuất nhập khẩu địa bàn Singapore 4 tháng đầu năm 2024

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, báo cáo tháng 4 năm 2024 của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Singapore với thế giới đạt hơn 109 tỷ SGD, tăng 15,69% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu (XK) đạt gần 55,9 tỷ SGD, tăng 13,35% và nhập khẩu (NK) gần 53,52 tỷ SGD, tăng 18,27%.

Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 24,1 tỷ SGD (tăng 0,36%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt gần 31,79 tỷ SGD (tăng 25,67%), chiếm lần lượt 43,12% và 56,88% tổng kim ngạch XK của Singapore.

Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 421 tỷ SGD, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó XK hơn 221,83 tỷ SGD (tăng 6,55%) và NK hơn 199,21 tỷ SGD (tăng 8,45%).

Trong 4 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ 2023), kim ngạch XNK giữa Singapore với phần lớn các đối tác lớn nhất (10/15 đối tác) tăng trưởng dương, một số đối tác có kim ngạch tăng mạnh như Hồng Kông (tăng 30,46%), Đài Loan (tăng 27,57%); Thái Lan (tăng 14,97%)… Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Đài Loan là 4 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại lần lượt là: 56,46 tỷ SGD, 45,32 tỷ SGD; 40,88 tỷ SGD và 30,07 tỷ SGD.

 Sau 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 10,19 tỷ SGD, tăng 6,33%.

Về nhập khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore. 13/20 đối tác nhập khẩu của Singapore có kim ngạch NK tăng trưởng dương, một số đối tác có mức tăng cao như Nga (84,27%), Thụy Sỹ (37,18%).... Đài Loan tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch gần 26,7 tỷ SGD, tăng 37,56%. Tiếp theo sau là Trung Quốc (thứ 2) và Mỹ (thứ 3), với kim ngạch lần lượt là 24,47 tỷ SGD (giảm 3,36%) và 23,17 tỷ SGD (tăng 9,12%).

Về xuất khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2024, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Mỹ… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 9 của Singapore. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia lần lượt đạt kim ngạch 32 tỷ SGD (tăng 20,94%), 25 tỷ SGD (tăng 31,6%) và 23 tỷ SGD (tăng 14,14%). 

Trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,48 tỷ SGD, tăng 13,54% so với cùng kỳ năm 2023, XK từ Việt Nam sang Singapore đạt mức tăng trưởng rất cao (55,03%) với giá trị 772,82 triệu SGD, kim ngạch NK tăng 1,29%, đạt hơn 1,71 tỷ SGD.

Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore tăng mạnh ở mức 15,29%, đạt hơn 639 triệu SGD; trong khi hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam (chiếm 63% kim ngạch XK) giảm 5,56% đạt hơn 1,07 tỷ SGD. Mặc dù mức thâm hụt giữa NK và XK ước hơn 937 triệu SGD, song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu hơn 133,2 triệu SGD.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 10,19 tỷ SGD, tăng 6,33 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó XK tăng mạnh ở mức 24,72%, đạt hơn 2,6 tỷ SGD và NK gần 7,59 tỷ SGD, tăng 1,21%.

Xét về xuất xứ hàng hóa, thì hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm gần 69% tổng kim ngạch hàng XK từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 5,23 tỷ SGD. Trong khi đó, nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore, thì Việt Nam xuất siêu khoảng 252,44 triệu SGD.

Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore

Trong tháng 4/2024, cả 3 nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Singapore đều tăng rất mạnh, cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng 51,69%; Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 62,44%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 5,17 lần). Một số nhóm ngành XK khác có mức tăng trưởng rất mạnh như sắt thép (tăng 19,63 lần), gạo và ngũ cốc (tăng 1,7 lần)... Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là Các sản phẩm từ sắt thép (giảm 74,35%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 34,57%)…

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam:

Có 16/21 nhóm ngành hàng có kim ngạch NK tăng trưởng dương trong đó 2/3 nhóm NK chủ lực còn lại tăng so với cùng kỳ là nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên tiếp tục giảm mạnh (tăng 17,35%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 27,27%). Nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại giảm nhẹ 4,7%. Một số nhóm khác có mức tăng rất mạnh như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng 5,37 lần); Các sản phẩm từ sắt thép (tăng hơn 109%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (tăng 50,34%)...

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tình hình thương mại trong tháng 4/2024 của Singapore với thế giới thể hiện tích cực hơn với các chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch XK, NK đều tăng tốt (lần lượt là 15,69%, 13,35% và 18,27%).

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 4/2024 vẫn duy trì được mạch tăng tích cực, đặc biệt là chiều xuất khẩu sang Singapore (tăng 55,03%). Đáng chú ý là nhóm hàng gạo, ngũ cốc tiếp tục giữ được mức tăng rất mạnh (hơn 1,7 lần).

Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore

Nội dung liên quan