| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 24-28/04/2023

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin đến bạn đọc và quý doanh nghiệp Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 24-28/04/2023.

1. Tăng trưởng GDP dao động trong mức 3,0-3,5% trong năm 2023

Theo đánh giá của Hội đồng Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng (JSCCIB), tăng trưởng GDP của Thái Lan được dự báo duy trì mức 3,0-3,5% trong năm 2023, không đổi so với dự báo trước đó do ngành du lịch tăng trưởng mạnh có thể đón 30 triệu lượt khách năm nay giữa bối cảnh xuất khẩu vẫn yếu được dự báo tăng trưởng trong mức 0-1%.

Bộ Thương mại Thái Lan đánh giá lạm phát toàn phần của Thái Lan xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trong tháng 04/2023, gần với mức dự báo do giá năng lượng và thực phẩm hạ nhiệt.

Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu của nước này vẫn tiếp tục giảm. Hiệp hội Chủ hàng Quốc gia Thái Lan (TNSC) hạ dự báo triển vọng tăng trưởng xuất khẩu dao động trong khoảng 0-1% đạt mức 286-290 tỉ USD, giảm so với dự báo tăng trưởng 1-2% trước đó. Nhằm đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 1%, giá trị xuất khẩu nước này phải đạt 24,5 tỉ USD/ tháng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong Quý II/2023 sẽ khả quan hơn Quý I/2023, tuy nhiên vẫn sẽ giảm 2,7%. Dự báo trong Quý III và IV/2023 lần lượt đạt 0,6% và 12%.

Nguyên nhân gồm xung đột kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc và xung đột chính trị giữa nhiều quốc gia, kinh tế toàn cầu bất ổn định do tài chính, sản xuất, xuất khẩu, nguyên vật liệu và năng lượng, chi phí sản xuất ở mức cao (năng lượng và điện), nhu cầu suy giảm do lượng hàng dự trữ của các nước đối tác vẫn ở mức cao.

2. Xu hướng M&A được dự báo tăng mạnh

Xu hướng Mua bán & Sát nhập (M&A) của Thái Lan được dự báo tăng mạnh trong Quý II/2023 – dự báo được PwC (Thái Lan) đưa ra do các điều kiện về kinh tế, lạm phát và rủi ro về địa chính trị. Nhiều thương vụ đã bị trì hoãn từ Quý IV/2022. Theo khảo sát của PwC, khoảng 60% doanh nghiệp tham gia cho thấy các hoạt động M&A trong năm nay tiếp tục gia tăng.

Khu vực được dự báo tăng mạnh số lượng các thương vụ M&A bao gồm nhóm ngành công nghiệp ưu tiên S-curve gồm 05 nhóm ngành ưu tiên (điện tử thông minh, du lịch trị liệu và y tế, xe ô-tô, thực phẩm cho tương lai, nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp) và 05 nhóm ngành mới (năng lượng sinh học và hóa sinh học, kinh tế số, trung tâm y tế, tự động hóa và rô-bốt, hàng không và logistics).

Theo đánh giá và nghiên cứu của PwC, số lượng và giá trị M&A tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm lần lượt 23% và 33% giữa khoảng thời gian 2021 và 2022. Trung Quốc dẫn đầu mức giảm tương ứng 46% và 35% về số lượng và giá trị. Nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại châu Á, tìm kiếm tiềm năng nhiều thị trường mới nổi gồm Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Số lượng thương vụ tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận ở mức 16.238 trong năm 2022 so với mức 21.166 trong năm 2021.

3. Xuất khẩu trái cây tăng mạnh vụ mùa năm 2023

Dự báo kim ngạch xuất khẩu trái cây vụ mùa năm nay tăng mạnh do giá tốt, sản lượng tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Kim ngạch xuất khẩu trái cây Quý I/2023 tăng trưởng 55% đạt giá trị 825 triệu USD. Cụ thể, trong tháng 03/2023, xuất khẩu sầu riêng tăng 237%, nhãn tăng 42%. Dự báo trong năm 2023, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi và chế biến đạt 4,44 triệu tấn, tăng 10% khối lượng và giá trị so với mức 4,04 triệu tấn đạt giá trị 263 triệu Bạt năm 2022.

Giá trái cây của Thái Lan duy trì ở mức tốt nhờ nhiều chính sách của Chính phủ giúp cải thiện giá sản phẩm. Chính phủ Thái Lan đã triển khai 22 biện pháp nhằm cải thiện quản lý trái cây, được triển khai từ tháng 03/2023. Giá sầu riêng Monthong xuất khẩu hiện được giao dịch ở mức 150 Bạt/ kg, mẵng cầu ở mức 110 Bạt/ kg và chôm chôm 35 Bạt/ kg.

Về thị trường, Trung Quốc duy trì là quốc gia nhập khẩu trái cây lớn nhất của Thái Lan, được dự báo tăng trưởng ít nhất 10% năm nay nhờ thay đổi phương thức vận chuyển thông qua hình thức xuyên biên giới đường bộ. Xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc dự báo đạt khối lượng 2,5 triệu tấn tương đương giá trị 5,59 tỉ USD năm nay. Nhóm 05 trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc gồm chuối, dừa, sầu riêng, thanh long và nhãn. Trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 95% sầu riêng từ Thái Lan và 523.000 tấn dừa.

Về phương thức vận chuyển trái cây sang Trung Quốc, đường biển chiếm 51%, đường bộ chiếm 48%, hàng không chiếm 0,54%. Đường bộ chiếm ưu thế do chi phí vận chuyển thấp. Trong năm 2022, sầu riêng vận chuyển qua đường bộ chiếm tỉ trọng 80-90% tổng trái cây xuất khẩu.

Bộ Thương mại Thái Lan vừa tổ chức đoàn khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam nhằm thúc đẩy việc thông quan trái cây xuất khẩu nước này mùa cao điểm trong khoảng thời gian tháng 04-08/2023 thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và ga tàu hỏa Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là 02 điểm trung chuyển quan trọng tới cửa khẩu Quan (Youji Guan) của Trung Quốc.

Cửa khẩu Đồng Đăng là điểm kết nối với cửa khẩu Pingxiang – cách Hà Nội 171 km và Hữu Nghị 1km. Hàng ngày, có khoảng 05 chuyến tàu hỏa xuất khẩu hàng sang/ từ Trung Quốc. Tại mùa trái cây năm 2022, khoảng 10-20 container sầu riêng được vận chuyển hàng ngày thông qua tuyến tàu hỏa trên tới Trung Quốc.

4. Thái Lan cho phép xuất khẩu cà phê rang xay pha hạt nhập khẩu và nội địa

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua việc xuất khẩu cà phê rang xay pha hạt nhập khẩu và nội địa nhằm tăng cơ hội xuất khẩu cà phê của nước này. Trước đó, sản phẩm cà phê chế biển chỉ được phép xuất khẩu nếu sử dụng hạt cà phê nguyên liệu nhập khẩu.

Những quy định khác về hàm lượng không đổi gồm giấy phép xuất khẩu cà phê, yêu cầu về chứng nhận xuất xứ. Điều này bảo đảm doanh nghiệp cà phê sẽ tăng cường xuất khẩu sản phẩm cà phê đã chế biến được sản xuất từ các loại hạt cà phê nguồn gốc nội địa. Tuy nhiên, quy định mới cũng sẽ khuyến khích việc tạo ra nhiều loại cà phê khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và tiềm năng xuất khẩu.

 

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan

Nội dung liên quan