| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Khó khăn tiếp tục bủa vây, doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực tìm hướng đi

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Để xuất khẩu vượt khó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh duy trì các thị trường truyền thống, cần hướng tới những thị trường mới, tiềm năng...

Khó từ trong ra ngoài

Ngay từ cuối năm 2022, dệt may là một trong những ngành được dự đoán đối diện nhiều khó khăn trong năm 2023. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 doanh doanh thu các doanh nghiệp trong hệ thống giảm mạnh, 18-20% so với cùng kỳ. Đặc biệt là ngành sợi khó khăn đã kéo dài từ quý 3, 4/2022 đến nay vẫn còn tiếp tục do nhu cầu yếu và giá biến động liên tục và hiện giảm rất sâu….

Cả ngành sợi lẫn ngành may của Việt Nam đều rất kỳ vọng ở việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên khi điều này diễn ra cũng là áp lực, thách thức rất lớn. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành sợi Việt Nam, song giá cả xuất khẩu sang Trung Quốc đang không cạnh tranh được với việc đối tác phía Trung Quốc sử dụng sợi trong nước. Toàn bộ ngành sợi Việt Nam hiện gần như bất ổn, tồn kho lớn, trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với ngành may, hiện đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. Lãnh đạo Vinatex cho biết, chưa bao giờ mà các doanh nghiệp dệt may lớn vài nghìn lao động buộc phải xoay sang chấp nhận đơn hàng nhỏ 500, 700 đến 1.000 áo jacket; đơn giá may cũng giảm thấp kỷ lục, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn.

Vinatex cho rằng, bước vào năm 2023 kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, dệt may trong top những mặt hàng được tiết giảm. Đặc biệt sức mua từ các thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh…

Với lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn và 5 tháng đầu năm giảm tới 28-29% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thủy sản là một trong những mặt hàng thiết yếu. Do đó năm 2022, khi thị trường hồi phục trở lại thì các nhà nhập khẩu đổ xô vào nhập khẩu để dự trữ khiến lượng tồn kho rất cao. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam bị tác động rất mạnh mẽ bởi các nước sản xuất khác là Ecuador và Ấn Độ. Song song với việc “sức khỏe” tài chính và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy hải sản suy giảm rất nhiều bởi vì các chi phí sản xuất trong nước tăng, tiêu thụ chậm, chi phí lưu kho tồn kho tăng… dẫn đến việc vay vốn khó khăn vì các ngân hàng coi đó là rủi ro.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, trong khảo sát gần đây của VCCI, doanh nghiệp đưa ra nhiều điểm nghẽn, nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Điểm đầu tiên là suy giảm đơn hàng, suy giảm nhu cầu ở những thị trường mà doanh nghiệp có thể bán được hàng hóa. Nếu nhìn vào thương mại quốc tế, nhìn vào lịch sử trong vài chục năm trở lại đây, có thể thấy chưa bao giờ xuất nhập khẩu tăng trưởng âm khá cao, lên đến 14-15% như 5 tháng đầu năm nay.

Nhìn sâu hơn, có thể thấy do sự co hẹp của thị trường, những khó khăn về tài chính của doanh nghiệp và tình trạng lạm phát đã khiến xuất nhập khẩu suy giảm. Song nhập khẩu giảm cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp. Bởi vì không bán được hàng nên doanh nghiệp mới suy giảm nhu cầu nhập khẩu…

Chuyển mình đón cơ hội

Để ứng phó với những thách thức, Vinatex cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: tiếp tục linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, thường xuyên dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn nguồn nhân lực để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa dệt may…

Theo Tổng giám đốc Vinatex, trong giai đoạn tới, nhất là bối cảnh châu Âu đã và đang áp dụng các quy định về sản xuất dệt may tuần hoàn, sản xuất xanh, các đơn vị trong toàn hệ thống đang nghiên cứu về các công nghệ mới để sản xuất nhằm đón đầu xu hướng để nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường xuất khẩu được đánh giá là sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi thị trường trong nước thì lại được cho là còn nhiều tiềm năng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang chú trọng khai thác thị trường nội địa. Theo bà Lê Hằng, những năm qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường nội địa là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Tuy vậy, thị trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vì những yếu tố khách quan và chủ quan, do thói quen làm ăn kinh doanh theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhiều hơn.

Do đó, theo VASEP, để tiêu thụ tại nội địa, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau. Cần có thêm sự tìm hiểu về thói quen tiêu dùng với từng vùng miền. Doanh nghiệp thủy sản hiện tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam, nên để tiếp cận thị trường cần nghiên cứu từng vùng miền để có sản phẩm đưa vào từng thị trường phù hợp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, đối với thị trường trong nước hay xuất khẩu thì việc tìm kiếm bạn hàng hay đáp ứng các nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng luôn là yếu tố quan trọng. Do đó sự chủ động ở đây là các doanh nghiệp phải làm sao có được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để xây dựng chiến lược bán hàng, chiến lược thương hiệu. Chẳng hạn với hoạt động xuất khẩu vẫn có một số ngành hàng chủ yếu là gia công, tức là khối lượng sản xuất lớn nhưng sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không nắm bắt được nhu cầu thực sự của thị trường. Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh đầu tư tài chính, công nghệ máy móc thì đầu tư cho con người là yếu tố quan trọng để nắm bắt được các yêu cầu thực tế từ thị trường, từ đó gia tăng đơn hàng.

Báo hải quan

Nội dung liên quan