| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
ASEAN
THÔNG TIN CHI TIẾT

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 bởi Tuyên bố Băng cốc, Thái lan, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực.

Khi mới thành lập ASEAN gồm 5 nước là In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-lip-pin, Xing-ga-po và Thái lan. Năm 1984 ASEAN kết nạp thêm Bru-ney Da-ru-xa-làm làm thành viên thứ 6. Ngày 28/7/1995 Việt nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Ngày 23/7/1997 kết nạp Lào và Mi-an-ma. Ngày 30/4/1999 kết nạp Căm-pu-chia.

Khu vực ASEAN có dân số khoảng 500 triệu người, diện tích tự nhiên 4,5 triệu ki-lô-mét vuông, tổng sản phẩm quốc nội khoảng 737 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại 720 tỷ USD.

Tuyên ngôn ASEAN khẳng định mục đích của Hiệp hội là (i) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực bằng những nỗ lực chung theo tinh thần bình đẳng và quan hệ đối tác nhằm tăng cường nền tảng cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam á thịnh vượng và hòa bình; và (ii) Củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Hợp tác kinh tế ASEAN được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Một số chương trình hợp tác về thương mại và công nghiệp quan trọng như Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), Chương trình bổ trợ công nghiệp ASEAN (AIC)... đã được ký kết và đưa vào thực hiện trong những năm 1970-1980. Tuy nhiên, kết quả của các chương trình hợp tác này rất hạn chế. Năm 1992, các nước ASEAN đã ký Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff Scheme - CEPT) quy định việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với mục tiêu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của khu vực ASEAN. Việc từng bước xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo CEPT giữa các nước thành viên cũng nhằm mục đích nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 5 tổ chức tại Băng cốc năm 1995 Chương trình Hội nhập Kinh tế sâu sắc hơn giữa các nước ASEAN đã được thông qua, theo đó thời hạn thực hiện AFTA đã được đẩy nhanh từ 15 năm xuống còn 10 năm.

Tầm nhìn ASEAN được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức diễn ra vào tháng 12/1997 tại Kuala Lumpur. Tầm nhìn ASEAN 2020 đã vạch ra phương hướng tiến tới năm 2020 là "ASEAN 2020: Quan hệ đối tác trong phát triển năng động" nhằm tạo quan hệ liên kết kinh tế chặt chẽ hơn trong ASEAN. Chương trình Hành động Hà nội (HPA) đã được thông qua năm 1998 và là chương trình tổng thể đầu tiên được xây dựng với hàng loạt các kế hoạch hành động được đề ra nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Tầm nhìn ASEAN.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 quốc gia, là một thị trường tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam cả về quy mô và chất lượng.

Theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN, 10 nước ASEAN có tổng cộng 541,787 triệu dân; tốc độ tăng trưởng dân số bình quân trong những năm gần đây khoảng 1,6; 1,7%. (ASEAN Statistical Year Book 2003), tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước ASEAN duy trì hàng năm ở mức trên 300 tỷ USD, năm 2000 là 359,271 tỷ USD, năm 2001 là 324,022 tỷ USD, năm 2002 là 341,590 tỷ USD.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, các nước ASEAN đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao là 7,4%/năm (giai đoạn 1990-1995) và có vẻ như chưa coi trọng việc tập trung vào hội nhập sâu hơn nữa sau AFTA. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, do phải đối đầu với một loạt vấn đề phát sinh, các nước ASEAN đã bắt đầu có những bước đi sau AFTA, làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập trong khu vực, nhằm biến ASEAN thành một cơ sở sản xuất và thương mại thống nhất hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư. Nhờ đó, các nước ASEAN đã dần lấy lại đà tăng trưởng, đạt bình quân 3,2% năm 2001; 4,4% năm 2002. Để có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đều có nhu cầu nhập khẩu khá lớn để phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế. Đây là một dịp tốt để các nhà xuất khẩu Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay lượng hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN còn chưa tương xứng với tiềm năng (trung bình trong những năm gần đây khoảng 2,5 tỷ USD/năm) do nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất lợi thế về mẫu mã, giá cả, dịch vụ đi kèm, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của ta và ASEAN có nhiều điểm tương đồng, v.v. các nước ASEAN lại thường có chỉ có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị công nghệ cao từ các nước phát triển để phục vụ sản xuất trong nước.