| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Những khó khăn của nền kinh tế Madagascar

Một trong những nước nghèo nhất thế giới là Madagascar đã mất khoảng 400 triệu USD tiền viện trợ quốc tế kể từ cuộc đảo chính tại nước này ngày 17 tháng 3 năm 2009 do ông Andry Rajoelina lãnh đạo với sự hậu thuẫn của quân đội.

 

 

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tiền viện trợ từ nước ngoài đóng góp tới một nửa ngân sách của Chính phủ Madagascar và khoảng 70% chi tiêu công, và như vậy trở thành nguồn tài trợ chính cho các lĩnh vực xã hội. Khoản tiền này đã sụt giảm 200 triệu USD/năm từ sau cuộc đảo chính.

Khủng hoảng chính trị tại Madagascar đã bước sang năm thứ ba và vẫn chưa biết lúc nào sẽ được giải quyết, kéo theo hậu quả là các nhà tài trợ không xem xét lại quyết định đóng băng mọi khoản viện trợ, ngoại trừ các khoản khẩn cấp. Các tổ chức khu vực là Liên minh Châu Phi (AU) và Cộng đồng Phát triển nam phần Châu Phi (SADC) cũng chưa khôi phục trao đổi thương mại và dỡ bỏ lệnh trừng phạt với nước này.

Bản báo cáo cũng cho thấy mức giảm sâu các khoản tài trợ trong những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất, hỗ trợ thể chế, các chương trình phát triển kinh tế, nông nghiệp và y tế.

Nghèo khổ gia tăng

Viện Thống kê quốc gia Madagascar (INSTAT) vừa công bố bản điều tra định kỳ 5 năm mới nhất về tình hình hộ gia đình cho thấy tỷ lệ nghèo khổ cao hơn, nhất là ở khu vực nông thôn chiếm đến 80% dân số nước này.

Nếu lấy mức thu nhập cá nhân thường niên 230USD làm chuẩn nghèo thì báo cáo của INSTAT cho thấy tỷ lệ nghèo trong cả nước đã tăng từ 68,7% năm 2005 lên 76,5% năm 2010, riêng khu vực nông thôn là từ 73,5% lên 82,2%. Chênh lệch thu nhập giữa cư dân thành thị và vùng nông thôn cũng tăng lên rõ rệt. Các tác giả của báo cáo này diễn giải rằng nếu đánh giá thời điểm trước khủng hoảng là giai đoạn tăng trưởng thì chỉ 2 năm sau đó, tỷ lệ nghèo đói đã tăng 9% mà nguyên nhân trực tiếp là do xáo trộn chính trị, thêm vào đó là suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong bản thông báo tháng giêng 2011 của mình, UNICEF cũng nêu lại kết quả điều tra năm 2010 của INSTAT về tỷ lệ nghèo khổ cao thứ hai kể từ khi các biện pháp kinh tế thắt chặt được áp dụng năm 1993. Các hộ gia đình nông thôn gặp rất nhiều khó khăn bất chấp mùa màng tương đối thuận lợi trong hai năm vừa qua.

Những nỗ lực can thiệp của Chính phủ nhằm giữ ổn định giá gạo như cấm xuất khẩu hoặc trợ cấp nhập khẩu đều đã thất bại và giá của loại lương thực này tăng vọt đến 1 USD/kg. Gần đây, các công ty dầu lửa đã thất bại trong cố gắng thay đổi một nghị định của Chính phủ có mục đích ấn định giá xăng dầu tại trạm bơm. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng Chính phủ không thể duy trì giá xăng dầu thấp mãi vì không có đủ khả năng tài chính để ứng phó với đà tăng giá vật tư cơ bản trên thế giới.

Tháng 12 năm 2010, tổ chức Chương trình Lương thực thế giới cho biết 720.000 người dân thuộc 8 quận phía nam là Betioky, Ampanihy, Beloha, Bekily, Tsihombe, Ambovombe, Taolanaro and Amboasary đang rất thiếu đói vì nạn hạn hán liên tiếp 2 năm liền.

Những giải pháp ngắn hạn kém khả thi

Tháng 2 năm 2011 cơn bão Bingiza đổ vào phía bắc Madagascar gây  hậu quả nghiêm trọng cho mùa màng và có thể làm sâu sắc thêm tình hình mất an ninh lương thực cũng như việc sản xuất lương thực thương phẩm.

Theo các chuyên gia của tổ chức CARE, các cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực có tính cơ cấu, đặc biệt là tại khu vực phía nam Madagascar khô cằn, sẽ không thể giải quyết được cho đến khi có các khoản đầu tư lớn hơn và mang tính dài hạn, so với những giải pháp chống khủng hoảng ngắn hạn hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng là những khoản đầu tư dài hạn này không thể sớm xuất hiện trong điều kiện môi trường chính trị bất ổn định hiện nay.

 

                                                                                                                                                                  Nguyễn Hồng Kỳ

 

 

Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Nội dung liên quan