Là loại cây trồng dễ tính và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai sau bông, cây điều của Benin cung cấp loại hạt nổi tiếng về chất lượng (chỉ đứng sau điều của Guinea Bissau) nhờ thu hoạch đúng thời vụ, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều Benin có nhân to và vỏ dễ bóc.
Ngoài giá trị là thức ăn, quả điều còn được sử dụng trong ngành công nghiệp dược do có những thuộc tính như diệt sâu bệnh, diệt nấm và diệt khuẩn. Quả điều còn dùng trong ngành công nghiệp chế biến da thuộc.
Nếu như năm 1996, Benin mới sản xuất được khoảng 10.000 tấn điều thì đến năm 2011, con số này đã lên tới 90.000 tấn và năm 2012 là 80.000 tấn. Với việc tăng kim ngạch xuất khẩu điều, nhiều nhà sản xuất bông của Benin đã chuyển sang trồng điều vì đỡ vất vả hơn. Nhờ một số dự án và chương trình phát triển, nhiều vườn điều mới đã ra đời. Dự kiến đến năm 2015, sản lượng điều của Benin sẽ tăng gấp đôi.
Điều được Chính phủ Benin xác định là một trong 12 cây trồng ưu tiên. Hiện nay diện tích trồng điều là 190.000 ha. Các tỉnh trồng điều lớn nhất của Benin là Atacora, Donga, Alibori, Borgou, Colline và Zou.
Đối với mỗi vụ thu hoạch, sau khi tham vấn với các bên liên quan, Bộ Thương mại Benin ấn định mức giá sàn. Các nhà xuất khẩu nước ngoài nên mua điều của các thương nhân Benin được cấp phép hơn là mua trực tiếp từ các nhà sản xuất. Chính phủ không thu thuế xuất khẩu, thuế nhân điều và miễn thuế nhập khẩu các trang thiết bị chế biến nông sản. Benin có “Liên đoàn các nhà xuất khẩu điều Benin” (FENAPAB) và “Hội đồng quốc gia các nhà chế biến điều” (CNTC). Ngoài ra, nước này cũng thành lập một nhóm các nhà xuất khẩu vào tháng 9/2012. Benin là nước xuất khẩu lớn thứ ba về điều thô ở châu Phi với khối lượng trên 100.000 M tấn năm 2011 (gồm cả điều nhập khẩu từ các nước láng giềng, nhất là Nigeria).
Cho đến nay, điều của Benin vẫn chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, khách hàng chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Những nước nay sau khi nhập khẩu, tiến hành chế biến và tái xuất sang châu Âu dưới dạng điều nhân đã làm sạch và đóng gói. Việc chế biến và đóng gói tại Benin có thể giúp cung cấp cho thị trường châu Âu những sản phẩm có chất lượng với giá cạnh tranh hơn.
Năm 2011, tại Benin đã có thêm 4 nhà máy chế biến điều ra đời với công suất chế biến từ 1000 đến 3500 M tấn. Như vậy, tổng công suất chế biến trong nước có thể chiếm gần 15% sản lượng điều quốc gia. Hiện nay, một trong 4 nhà máy chế biến này đã được Liên minh điều châu Phi chứng nhận về chất lượng.
Hoạt động kinh doanh điều tại Benin còn chưa được tổ chức chặt chẽ với một chuỗi các tác nhân tham gia, gồm nhà sản xuất (có tổ chức hoặc đơn lẻ), người thu gom (cấp 1 hoặc cấp 2), nhà buôn (sỉ hoặc lẻ) và nhà xuất khẩu (thường là người Ấn Độ, Pakistan trong một liên kết khép kín).
Về vị trí địa lý, Benin có lợi thế mặt biển rộng, có cảng quốc tế Cotonou, lại là nước láng giềng của Nigiêria, quốc gia cũng sản xuất điều rất lớn. Điều của Nigiêria có thể nhập khẩu vào Benin với vai trò là nước quá cảnh. Theo ước tính, tỉ lệ nhập khẩu từ các nước giáp biên chiếm từ 10 đến 15% tổng khối lượng điều xuất khẩu của Benin. Chất lượng điều nhập khẩu thường không được đánh giá cao vì khó kiểm soát (quả điều không bán được từ những năm trước, điều chưa chín hoặc điều kiện cất trữ không tốt…).
Beninlại có hệ thống ngân hàng năng động và lành mạnh. Là thành viên WTO, nước này còn nằm trong số các quốc gia được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Đồng tiền của Benin (franc châu Phi) có khả năng chuyển đổi.
Mặc dù có những lợi thế riêng nhưng Benin cũng đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của những quốc gia sản xuất điều thô khác trong khu vực như Guinea Bissau, Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nigeria và Tanzania, nhất là khi những nước này đã ổn định được tình hình chính trị và giảm bớt tình trạng tham nhũng, sách nhiễu.
Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu điều của Việt Nam từ Benin đạt 9,6 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu điều thô đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012, đạt 17 triệu USD./.
Hoàng Đức Nhuận