| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tài liệu cơ bản về Bê-nanh (Benin) và quan hệ với Việt Nam

Tài liệu cơ bản về Bê-nanh (Benin) và quan hệ với Việt Nam.

1. Khái quát:

 - Nước Cộng hoà Bê-nanh (République du Benin)

- Thủ đô: Poóc-tô Nô-vô (Porto-Novo)

- Trung tâm kinh tế: Thành phố cảng Cô-tô-nu (Cotonou)

- Vị trí địa lý: nằm ở Vịnh Bê-nanh thuộc Tây Phi; Bắc giáp Ni-giê và Bu-ki-na Pha-sô; Đông giáp Ni-giê-ri-a; Tây giáp Tô-gô; Nam giáp Đại tây Dương.

- Diện tích: 110.620 km2

- Dân số: 10,5 triệu người (tính đến tháng 7/2015)

- GDP: 7,7 tỉ USD (năm 2015)  

- Tôn giáo: Tín ngưỡng cổ truyền: 58%; đạo Hồi: 25%; Thiên chúa giáo: 27%.

- Ngôn ngữ: chủ yếu dùng tiếng Pháp, ngoài ra có tiếng thổ dân của các bộ lạc.

- Đơn vị tiền tệ: Đồng Franc-CFA (1 USD = 580,5 FCFA). (năm 2015)

- Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm

- Quốc khánh: 1/8/1960 (ngày Pháp trao trả độc lập)

- Tổng thống: Thô-mát Bon-ni Y-a-i (Thomas Boni Yayi) (từ tháng 4/2006)

  2. Lịch sử:

- Bê-nanh (tên cũ là Dahomey) có lịch sử lâu đời với nền văn minh Abomey, làng nổi gần Cotonu... Vương quốc Abomey của người Fon có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phát triển quan hệ thương mại sớm với châu Âu. Behanzin là vị vua cuối cùng của Vương quốc này, là người đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và bị thất bại năm 1893, kết thúc 3 thế kỷ tồn tại của điều đại. Từ đó, Dahomey bị Pháp xâm chiếm. Behanzin được coi như vị anh hùng dân tộc.

- Ngày 1/8/1960, Pháp trao trả độc lập cho Bê-nanh.

- Ngày 30/11/1975, Đảng Cách mạng Nhân dân Bê-nanh được thành lập (Đảng cầm quyền duy nhất) do Tổng thống M.Kérékou đứng đầu. Nước Cộng hoà Dahomey được đổi thành Cộng hoà Nhân dân Bê-nanh, phát triển đất nước theo xu hướng XHCN.

- Bị áp lực mạnh mẽ của các thế lực đối lập, Đại hội Quốc dân được triệu tập vào ngày 19/2/1990. Đại hội quyết định giải tán Đảng Cách mạng Nhân dân, thực hiện chế độ đa đảng, thành lập Chính phủ quá độ 12 tháng, sửa đổi Hiến pháp, bầu Quốc hội mới, đổi tên nước thành Cộng hoà Bê-nanh, lấy lại Quốc kỳ Dahomey và ngày Pháp trao trả độc lập (1/8/1960) làm ngày kỷ niệm Quốc khánh hàng năm.

- Tháng 12/1990, Bê-nanh tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp mới. Tháng 3/1991, Bê-nanh tiến hành tổng tuyển cử tự do đa đảng đầu tiên.

- Tháng 3/2006, Bê-nanh tổ chức bầu cử và Tổng thống mới được bầu là ông Yayi Boni.

3. Kinh tế:

Bê-nanh có các nguồn tài nguyên thiên nhiên như sắt (trữ lượng 1 tỷ tấn), phốt phát, vàng, đá trắng và dầu lửa ở thềm lục địa.

Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 80% thu nhập quốc dân. Nông nghiệp Bê-nanh lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là lương thực và bông ngoài ra còn có dầu cọ, ngô, lạc, kê, ca cao v.v... Ngành chăn nuôi có cừu, dê. Bê-nanh vẫn phải nhập phần lớn lương thực. Công nghiệp Bê-nanh nhỏ bé, chủ yếu là ngành công nghiệp ép dầu cọ và khai thác sắt. Nền kinh tế ngầm (buôn bán lậu qua biên giới nhất là với Nigeria) chiếm đến 50% tỷ trọng kinh tế Bê-nanh. Nhìn chung, mức thuế nhập khẩu vào Bê-nanh thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Nigeria.

Cảng Cotonou là bến quá cảnh của nhiều nước trong vùng Vịnh Bê-nanh mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho nước này.

Năm 2015, GDP của Bê-nanh đạt 7,7 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 733 USD, tỷ lệ tăng trưởng 5,5 %. Tỷ lệ lạm phát là 1,6%. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 36,3%, công nghiệp 13,5% và dịch vụ 50,2%.

Về ngoại thương, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu Bê-nanh đạt 2,047 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính là bông, điều, dầu thô, dệt may, các sản phẩm từ cọ, hải sản. Các đối tác xuất khẩu chính gồm: Trung Quốc (27%), Ấn Độ (21,7%), Lebanon (8,4%), Niger (5%), Nigeria (4,5%) (năm 2014).

Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Bê-nanh đạt 2,646 tỷ USD với các mặt hàng chính gồm thực phẩm, các sản phẩm dầu lửa, trang thiết bị. Các đối tác nhập khẩu gồm có Trung Quốc (30,2%), Algeria (25,1%), Mỹ (6,8%), Ấn Độ (4,6%), Thái Lan (4,4%), Malaysia (4,3%) (năm 2014).

Về đối ngoại, Bê-nanh là thành viên LHQ, thành viên không thường trực HĐBA/LHQ (2004-2005), Phong trào KLK, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), FAO, ECOWAS (Cộng đồng kinh tế Tây Phi), NEPAD, WTO, Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA).

       Chính sách đối ngoại của Bê-nanh là ưu tiên hợp tác khu vực, coi trọng quan hệ với phương Tây, nhất là Pháp và các tổ chức quốc tế, tài chính quốc tế để tranh thủ vốn và kỹ thuật.

Bê-nanh là một trong 8 nước của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) nên phải tuân thủ Biểu thuế đối ngoại chung (TEC). Những loại thuế và phí thu theo Biểu thuế đối ngoại chung của UEMOA là thuế hải quan (DF), thuế VAT, thuế đoàn kết cộng đồng (PCS) và khoản tạm ứng.

4. Quan hệ Việt Nam-Bê-nanh:

a. Quan hệ chính trị:

Việt Nam và Bê-nanh lập quan hệ ngoại giao ngày 14/3/1973. Hiện nay, Đại quán sứ ta ở Maroc kiêm nhiệm Bê-nanh. Đại sứ Bê-nanh thường trú ở Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.

 Quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp. Bê-nanh mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, cũng như hợp tác với ta trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, y tế và giáo dục.

Tháng 8/2014, Bê-nanh đã trao công hàm cho Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc (kiêm nhiệm Bê-nanh) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

b. Trao đổi đoàn:

Các đoàn Việt Nam thăm Bạn: Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dự Hội nghị Cấp cao khối Pháp ngữ tại Bê-nanh (1995), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (2003).

Năm 2009, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á) đã chủ trì tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự Cuộc gặp Bên mua/Bên bán về dệt may và bông tại Bê-nanh.

Các đoàn Bê-nanh thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Pierre Osho (1997), Tổng thống Bê-nanh Mathieu Kérékou dự Hội nghị cấp cao 7 các nước có sử dụng Tiếng Pháp (11/1997), Bộ trưởng Ngoại giao Bê-nanh (29-31/10/2006), Tổng thống Bê-nanh Boni Yayi (09-11/11/2006), Đặc phái viên Tổng thống Bê-nanh chuyển thông điệp đặc biệt của Tổng thống Bê-nanh (5/2008), Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Nghề cá (13-15/8/2008).   

 c. Các Hiệp định đã ký:

 Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, KHKT (1996), Hiệp định tham vấn chính trị và ngoại giao giữa hai Bộ Ngoại giao (2003), Biên bản giữa hai Bộ Nông nghiệp về việc Bê-nanh mời 16 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam sang giúp bạn phát triển ngành trồng lúa (2008).

- Việt Nam - Bê-nanh - FAO đã đã ký hiệp định 3 bên giúp Bê-nanh phát triển lúa nước (11/1998). Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006, Tổng thống Bê-nanh đã đề nghị ta cử 100 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang giúp bạn với sự tài trợ của FAO.

- Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam (8/2008), Bộ trưởng Nông nghiệp hai nước đã ký biên bản về việc Bê-nanh mời 20 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam sang giúp bạn phát triển ngành trồng lúa.

 d) Quan hệ thương mại:

Trao đổi thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Benin đạt 21,25 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2014. Các mặt hàng xuất khẩu chính là thuốc lá, gạo, sản phẩm dệt may, máy tính và linh kiện, gỗ...

Trong cán cân thương mại với Bê-nanh, Việt Nam thường nhập siêu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu gồm sắt thép phế liệu, hạt điều, bông. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Bê-nanh 106,52 triệu USD hàng hóa các loại, tăng 38% so với năm 2014.

Trao đổi thương mại Việt Nam – Benin từ năm 2009 đến 2015

Đơn vị triệu USD

Năm

Tổng kim ngạch

Xuất khẩu

Nhập khẩu

2009

41,67

23,44

18,23

2010

53,05

13,12

39,93

2011

82,98

15,62

67,36

2012

54,51

9,61

44,90

2013

87,89

22,49

65,40

2014

104.65

27,53

77,12

2015

127,77

21,25

106,52

Nguồn: Tổng Cục hải quan Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Morocco

Nội dung liên quan