| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Mặt hàng cá tra của Việt Nam cần có thương hiệu và vị thế trên thị trường quốc tế

Cá tra đã là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của nước ta từ lâu với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, mặt hàng này đã chiếm 16-26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Nhưng vì nhiều lý do cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán, giảm chất lượng, hình ảnh cá tra Việt Nam bị bôi nhọ làm sụt giảm đáng kể thị phần.

Trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam qua các năm (tỷ USD)

Nguồn: Số liệu của VASEP

Trong 10 năm qua, xuất khẩu cá tra đã trải qua một giai đoạn biến động lên xuống thất thường. Kim xuất khẩu cá tra từng lập mốc kỷ lục hơn 2 tỷ USD vào năm 2012, sau đó liên tục sụt giảm trong các năm tiếp theo: đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2013; đạt 1,7 tỷ USD năm 2014; đạt 1,6 tỷ USD năm 2015.

Xuất khẩu cá tra hồi phục trong các năm 2016 đến 2019, cụ thể: năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,78 tỷ USD; năm 2018 thiết lập mốc kỷ lục 2,26 tỷ USD, năm 2019 đạt 2 tỷ USD.

Đến năm 2020, xuất khẩu cá tra giảm xuống mức thấp nhất là gần 1,5 tỷ USD, giảm 26% so với năm 2019. Nguyên nhân là do Covid bùng phát mạnh trên thị trường thế giới, nhất là tại Mỹ và EU khiến nhu cầu sụt giảm và nghiêm trọng hơn là tình trạng đứt gãy chuỗi logistic thương mại toàn cầu, giá cước vận tải biển tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp cá tra không thể trụ được trên những thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu.

Năm 2021, thị trường tiêu thụ bắt đầu bình ổn trở lại, nhưng những làn sóng dịch Covid lại liên tục bùng phát tại Việt Nam, khiến toàn bộ chuỗi sản xuất thương mại thủy sản bị gián đoạn, trong đó nặng nề nhất là cá tra vì nằm trong trung tâm dịch và bị đình trệ đúng vào thời điểm cần tăng tốc sản xuất xuất khẩu cho cuối năm và năm mới. Do vậy, xuất khẩu cá tra dù đã hồi phục 8% nhưng vẫn chỉ đạt trên 1,6 tỷ USD năm 2021.

Năm 2022 là thời kỳ “phục hưng” của ngành hàng cá tra, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD.

Cho đến năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam lại ghi nhận mức giảm sâu và biến động. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 5/2023 cũng vẫn chưa thể bứt phá và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm tại nhiều thị trường, lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 40%. Mức giảm này vẫn tiếp diễn đến tháng 6 khi trị giá xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 6/2023 đạt 143 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Phải cho đến cuối tháng 7, xuất khẩu cá tra mới có sự bứt phát và đem đến nhiều tín hiệu lạc quan nâng trị giá xuất khẩu mặt hàng này lên đạt gần 1 tỷ USD.

Theo nhận định của bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang, “giành lại” vị thế và thương hiệu cho cá tra Việt Nam là vô cùng cần thiết : “Là loài cá độc quyền của Việt Nam, thiết nghĩ, lẽ ra con cá tra phải mang đến giá trị vô cùng to lớn cho người nông dân, cho doanh nghiệp, và trên hết là cho quốc gia. Nhưng đến nay, con cá tra Việt Nam vẫn chưa thể hiện đúng vị thế vốn có của nó”.

Biến động của thế giới như đại dịch Covid 19, chiến tranh, cũng như tình hình lạm phát toàn cầu khiến cho xuất khẩu cá tra Việt Nam thêm thăng trầm trong thời gian qua. Trung Quốc hiện nay đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới, mặc dù đã hoàn toàn mở cửa nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Bài toán đặt ra rằng có nên chăng khi chúng ta sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho cá tra vào thị trường Trung Quốc?

Giải đáp thắc mắc trên, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng: "Trung Quốc là một thị trường vô cùng khó tính, cách sử dụng con cá tra khác biệt so với những thị trường khác. Thông qua truyền thống ẩm thực của người Trung Quốc, cá tra được chế biến thành hàng trăm món ăn, phục vụ trong các nhà hàng sang trọng như một món ăn cao cấp. Cho nên, họ yêu cầu chất lượng rất cao và ổn định. Với Trung Quốc, việc xây dựng chiến lược riêng cho xuất khẩu cá tra là cần thiết. Theo đó, phải kiểm soát chất lượng xuất khẩu đồng nhất và luôn giữ hình ảnh con cá tra. Bởi vì, với hơn 1 tỷ dân, vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội để chúng ta có thể mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc".

Với thị trường Mỹ, các chuyên gia cho biết mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá cho cá tra, cho nên chỉ một số rất ít doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này, đó cũng là một điều bất lợi cho cá tra Việt Nam. Thông tin về thị trường EU,  chuyên gia trong ngành chia sẻ: "EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Nhưng vì nhiều lý do cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán, giảm chất lượng, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị bôi nhọ làm sụt giảm đáng kể thị phần. Hiện nay, xuất khẩu sang thị trường EU chỉ còn chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam”.

Để cá tra sớm có một vị trí chắc chắn và thương hiệu độc quyền trên thị trường quốc tế sẽ là sự nỗ lực rất lớn, trước mắt doanh nghiệp cá tra cần vượt qua khó khăn hiện tại. Vì vậy, các bộ ngành và chính phủ nên có sự quan tâm đặc biệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn ưu tiên vốn cho sản xuất, và giảm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp. VASEP đánh giá, khi doanh nghiệp giảm doanh số thì các nhà máy thức ăn, con giống cũng bị giảm sản lượng sản xuất. Vì vậy, các bên nên cùng phải hợp tác, đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cá tra rất mong Chính phủ và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời về gói hỗ trợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay giúp doanh nghiệp có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn tránh tình trạng giống như cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, rất nhiều doanh nghiệp cá tra đã lâm vào tình cảnh kiệt quệ và phá sản.

Vietnamexport (tổng hợp)

Nội dung liên quan