Sáng ngày 03⁄01⁄2025 tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Mở đầu Hội nghị, đồng chí Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thay mặt tập thể Lãnh đạo và công chức Vụ đã tóm tắt tình hình phát triển thị trường châu Âu – châu Mỹ năm 2024 và định hướng công tác năm 2025.
Theo đó, năm 2024, mặc dù tình hình thị trường thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, tích cực đưa ra nhiều giải pháp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Các hoạt động của này đã hỗ trợ tích cực công tác phát triển thị trường của Việt Nam, không chỉ khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng mà còn gỡ bỏ các rào cản thương mại, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó đã triển khai tốt các hoạt động chính sau:
Theo dõi sát, nghiên cứu tình hình, chính sách thị trường, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển thị trường: xây dựng nhiều báo cáo chuyên sâu về các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Chuẩn bị tốt các nội dung về hợp tác kinh tế - thương mai phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong các cuộc làm với các đối tác trong khu vực.
Triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các cơ chế, khung khổ hợp tác hiện hành, xây dựng các khung khổ hợp tác mới: Chủ động triển khai thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong khu vực bao gồm : EVFTA, VN-EAEU, UKVFTA, CPTPP, VCFTA. Chú trọng vào công tác: nghiên cứu tận dụng ưu đãi trong các Hiệp định, phổ biến thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Tổ chức thành công 03 Khóa họp Ủy ban Liên chính phủ với nước thuộc khu vực Châu Âu (Bulgaria, Kazkhstan và LB Nga), 03 Khóa họp khác với các nước thuộc khu vực châu Mỹ (Canada, Hoa Kỳ, Chile). Các Khóa họp này tập trung vào công tác tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp. Xây dựng 03 khung khổ hợp tác mới với Rumani, Ailen, Thụy điển trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghiệp.
Đàm phán quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường: Tham gia thúc đẩy khởi động đàm phán FTA với khối MERCOSUR; Tham gia hỗ trợ xử lý các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, xử lý các vấn đề liên quan đến các rào cản thương mại khác như: Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch SPS, tiêu chuẩn trong sản xuất hàng hóa, khai thác đánh bắt thủy hải sản, v.v…
Xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu: (i) cung cấp thông tin cập nhật về thị trường thông qua các ấn phẩm, bài viết, trang thông tin điện tử và tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị; (ii) tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương các hoạt động Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, tiêu biểu là tổ chức thành công chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế “Viet Nam International Sourcing 2024” vào tháng 6/2024 tại TP. HCM, các tuần hàng Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Đức, UAE; Hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp kiều bào ở nước ngoài thông qua việc cung cấp thông tin qua chuyên mục ConnectViet trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương; tổ chức Hội nghị kết nối doanh nhân, trí thứ kiều bào tại Hoa Kỳ (11/2024) với chủ đề: “Phát huy nguồn lực của trí thức và doanh nhân kiều bào tại Hoa Kỳ, đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại Việt Nam”.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu - châu Mỹ thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin thị trường, tham gia bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hàng hóa Việt Nam tại các thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư tại các nước sở tại; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư.
Tại Hội nghị, lãnh đạo và các chuyên viên của Vụ đã thảo luận, báo cáo, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm đối với hoạt động phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2025 và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác phát triển thị trường do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thực hiện trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh khu vực là nơi có nhiều biến động nhất về địa chính trị, kinh tế trên thế giới. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân trong công tác phát triển thị trường tại khu vực này. Dự báo, năm 2025, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tập trung vào các định hướng chính sau đây:
Thứ nhất, quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại để hoàn thành tốt các mục tiêu ngành Công Thương được giao trong năm 2025. Tận dụng tối đa các quan hệ chính trị - ngoại giao để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư với các nước trong khu vực.
Thứ hai, chú trọng nắm bắt tình hình, những biến động chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương... những phản ứng chính sách phù hợp, khả thi; Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu chính sách, nghiên cứu thị trường, khai phá các cơ hội vừa thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư xứng tầm quan hệ chính trị, ngoại giao và vị thế của đất nước.
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, các cơ chế hợp tác hiện có (Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại) với các nước trong khu vực; đồng thời nghiên cứu việc nâng cấp, ký kết các FTA mới với các thị trường tiềm năng...
Thứ tư, quan tâm, chăm lo công tác các bộ (từ tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ. Đặc biệt là công tác đào tạo và rèn luyện cán bộ trẻ.
Thứ năm, làm tốt hơn chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại.
Thứ sáu, phối hợp với Văn phòng Bộ, các cơ quan truyền thông trong nước, trong Bộ để cung cấp, định hướng thông tin về chính sách, về thị trường cho các cơ quan, doanh nghiệp liên quan.
Thay mặt Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và nêu quyết tâm triển khai thật tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2025 và góp phần vào phát triển thị trường châu Âu – châu Mỹ một cách hiệu quả và bền vững.
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023.Tổng kim ngạch XNK ước đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu ước đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%; nhập khẩu ước đạt 47,9 tỷ USD tăng 12,6%. Thặng dư thương mại với thị trường châu Âu - châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD, Về xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong khu vực châu Âu – châu Mỹ đều chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2024 ước đạt 119,3 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2023; thị trường EU ước đạt 51,9 tỷ USD, tăng 18,8%; thị trường các nước CPTPP ở châu Mỹ (Canada, Mexico, Chile, Peru) ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 17%; Anh ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 19,6%; các nước EAEU ước đạt 3,3 tỷ, tăng 31,5%. Duy chỉ có xuất khẩu sang các nước khối Mercosur chứng kiến mức sụt giảm 6,5%, ước đạt 3,4 tỷ USD trong năm 2024. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu – châu Mỹ năm 2024 đều chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng so với năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 34,6 tỷ USD, tăng 39,7%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33 tỷ USD, tăng 24,4%; Hàng dệt, may ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 12%; Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 12,5%; Giày dép các loại ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,5%; Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng 21,9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt gần 6 tỷ USD, tăng 7%; Hàng thủy sản ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,8%, |