Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Niger chỉ đạt 549.656 USD, tăng 88% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Niger đạt 1,61 triệu USD giảm 4% so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm dệt may, sản phẩm từ cao su, gạo, dao cạo râu, hàng hải sản… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại, hạt điều, hạt vừng, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm đá quý và kim loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng rau quả…
Tình hình chính trị-xã hội
Năm 2021, tình hình chính trị-xã hội tại Niger tiếp tục bất ổn. Theo Ủy ban bầu cử độc lập quốc gia Niger, cựu Bộ trưởng Nội vụ của đảng cầm quyền, ông Mohamed Bazoum đã giành thắng lợi vòng hai cuộc bầu cử để trở thành tổng thống Niger ngày 21/2/2021 với 55,75% số phiếu.
Niger đang đối mặt với các hoạt động nổi dậy của các phần tử thánh chiến ở khu vực miền Tây tiếp giáp Mali và Burkina Faso cũng như ở miền Đông Nam giáp giới Nigeria. Các hoạt động nổi dậy ở miền Tây quốc gia 25 triệu dân này bắt đầu nổ ra năm 2015, leo thang vào năm 2017 với các vụ thảm sát do các nhóm vũ trang cấu kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và IS thực hiện. Tổ chức Giám sát nhân quyền ước tính hơn 420 dân thường đã bị sát hại tại miền Tây Niger trong 8 tháng đầu năm nay.
Niger là một phần trong liên minh các quốc gia Sahel, được Pháp hậu thuẫn, đang chiến đấu với các nhóm thánh chiến, trong đó có nhòm Nhà nước Hồi giáo khu vực Tây Phi (ISWAP), là một chi nhánh của Boko Haram có liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng quân đội Pháp đã phối hợp với quân đội địa phương đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực này sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào doanh trại liên quân khiến nhiều binh sỹ thiệt mạng.
Tình hình kinh tế
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Niger ước đạt 5,6% năm 2021, có thể đạt mức cao hơn năm 2022 và đạt ngưỡng 2 con số năm 2023.
Trong tháng 11/2021, IMF và chính phủ Niger đã nhất trí về một chương trình mới với việc giải ngân khoảng 278,5 triệu USD trong khuôn khổ Quỹ tín dụng mở rộng giai đoạn 2021-2024.
Theo IMF, triển vọng kinh tế năm 2021 và trung hạn của Niger vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP thực tế sẽ tăng 5,6% năm 2021 trong khi nền kinh tế đang phục hồi trước đại dịch Covid-19. Thậm chí, tăng trưởng sẽ còn cao hơn vào năm 2022 và đạt ngưỡng 02 con số vào năm 2023 nhở triển khai đường ống dẫn dầu sang Benin.
Song song với đó, IMF dự báo cán cân thanh toán của nước này sẽ bị ảnh hưởng về ngắn hạn do nước này thực hiện các dự án quy mô lớn với việc nhập khẩu nhiều hàng hóa và trang thiết bị trước khi được cải thiện rõ rệt từ năm 2023 với việc xuất khẩu dầu lửa.
Do vậy, những nỗ lực lành mạnh hóa và có thêm nguồn thu từ dầu lửa sẽ giúp giảm thâm hụt phù hợp với mục tiêu của khu vực là 3% GDP về trung hạn.
Những viễn cảnh thuận lợi này phần lớn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nhà tài trợ vốn cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như dầu lửa.
Tình hình ngoại thương Niger
Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Niger đạt 998 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2,378 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu cọ, quặng uranium, dầu lửa, gạo, vàng, đường, mì, vải bông… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gạo, linh kiện hàng không, máy móc thiết bị đào, san đất, dầu cọ, xi măng thủy lực, vũ khí, xe ô tô chuyên dụng, thuốc tân dược…
Các khách hàng chính của Niger là Pháp, Mali, Burkina Faso, Canada, Nigeria... Các nước cung cấp hàng hóa chính là Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ, Thái Lan...
Theo IMF, ngoại thương Niger có thể tăng trưởng khá năm 2021 trên cơ sở mở lại biên giới với Nigeria và giảm những tác động của cuộc khủng hoảng y tế.
Trao đổi thương mại Việt Nam-Niger
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Niger chỉ đạt 549.656 USD, tăng 88% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Niger đạt 1,61 triệu USD giảm 4% so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm dệt may, sản phẩm từ cao su, gạo, dao cạo râu, hàng hải sản… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại, hạt điều, hạt vừng, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm đá quý và kim loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng rau quả…
Hoàng Đức Nhuận